Đánh giá chi tiết củ sạc siêu mỏng Cuktech Ultra Slim 65W
Về chuẩn sạc, cổng C1 hỗ trợ khá đầy đủ các chuẩn sạc nhanh phổ biến như PD3.0, QC3.0, AFC, SCP và FCP. Cổng C1 hỗ trợ PD mức công suất cao nhất 65W ở điện áp 20V⎓3.25A và có dải PPS 5-20V⎓3A.
Cổng C2 cũng có các chuẩn tương tự như cổng C1, với công suất tối đa 20W, cổng C2 lại chỉ hỗ trợ điện áp 5V và 9V PD trong khi QC có thể hỗ trợ đến 12V.
Ngoài ra, mình cũng có đo đạc và tính hiệu suất chuyển đổi (công suất DC đầu ra chia cho công suất AC đầu vào, càng cao càng tốt) của củ sạc Cuktech này.
Kết quả là hiệu suất chuyển đổi của cổng C1 là 93.2%, C2 là 88.4%.
Nếu so sánh với củ sạc zin Apple 61W có hiệu suất chuyển đổi 90.8%, mình đánh giá hiệu suất chuyển đổi của Cuktech khá tốt, đặc biệt là với thân hình mi nhon như vậy.
Phân phối công suất
Đây là một điểm mình chưa hiểu rõ vì nhà sản xuất có công bố 2 cách phân phối công suất là 39+18W và 45+10W, vì vậy mình cũng có thử một vài cách ghép thiết bị để xem củ sạc Cuktech này sẽ phân phối công suất ra sao:
- C1 cắm máy tính (MBP2017) C2 cắm điện thoại (iPhone 13 Mini) → C1: 45W + C2: 10W
- C1 cắm điện thoại (iPhone 13 Mini) C2 cắm máy tính (MBP2017) → C1: 39W + C2: 18W
Có vẻ như Cuktech sẽ tự nhận diện được thiết bị nào cần nhiều nguồn điện hơn để phân bổ cho hợp lý, sẽ đẩy công suất cao nhất của cổng khi nhận biết đó là một thiết bị cần công suất cao. Trong bối cảnh thực tế, thường mình sẽ sử dụng giống Test 1, đó là máy tính dùng C1: 45W còn điện thoại C2: 10W.
Ripple and Noise
Ripple and Noise (R/N – Gợn sóng và nhiễu) là một thông số có thể giúp chúng ta đánh giá sâu hơn về chất lượng của điện DC đầu ra của một bộ nguồn, cục sạc, và adapter. Anh em muốn hiểu kỹ hơn về Ripple and Noise có thể xem thêm trong bài viết này: Ripple and Noise của nguồn sạc là gì và ảnh hưởng thế nào đến thiết bị.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ kết quả đo R/N của Cuktech Ultra Slim 65W, mình nhờ một người anh của mình đo đạc bằng máy hiện sóng đúng theo phương pháp phổ biến mà chuyên ngành điện tử vẫn đang sử dụng.
Lưu ý: Kết quả chỉ mang tính tham khảo. Đo 1 mẫu nên không đại diện cho model hay thương hiệu. Chỉ là số liệu tại thời điểm mới mua, chưa đánh giá được chất lượng sau thời gian dài sử dụng.
Với cổng C1, ở công suất tối đa với điện áp 20V, chính xác là 19.34V sau khi full tải, R/N đo được là 552mVp-p, là khoảng 2.85%. Mức R/N này thể hiện chất lượng điện đầu ra của cổng C1 ở công suất tối đa chỉ ở mức khá.
R/N của cổng C1 củ sạc Cuktech Ultra Slim 65W
Zoom kĩ hơn vào đường biểu thị R/N của cổng C1
Đối với cổng C2, ở công suất tối đa 20W với điện áp 9V, chính xác là 8.55V sau khi full tải, R/N đo được là 156mVp-p, là khoảng 1.82%, mức R/N này thể hiện chất lượng điện đầu ra của cổng C2 ở mức tốt (chứ chưa đạt mức rất tốt từ 1% trở xuống)
Có thể thấy, chất lượng điện đầu ra của Cuktech Ultra Slim không hề xuất sắc, đây có lẽ cũng là một điểm đánh đổi nữa cho sự nhỏ gọn, vì với một số model khác của Cuktech với kích cỡ lớn hơn thường sẽ có R/N khá nhỏ và dưới 1%.
Để so sánh, với những củ sạc của Apple, Belkin, Mophie, R/N sẽ dưới 1%, hay như Anker Aukey, là khoảng 1.5%. Anh em có thể tham khảo thêm kết quả của nhiều củ sạc khác mà mình đã tổng hợp tại đây: Dữ liệu đo đạc một số củ sạc đang bán trên thị trường.
Một số nhận xét về trải nghiệm sử dụng thực tế
Với trải nghiệm sử dụng thực tế, mình đánh giá Cuktech Ultra Slim 65W có những ưu điểm sau:
- Chất lượng hoàn thiện vỏ ngoài rất chỉn chu, không soi được điểm nào xấu hay hoàn thiện thô
- Thiết kế siêu nhỏ, gọn, mỏng, nhẹ, cực tiện khi mang theo, nhét túi, nhét balo gọn gàng
- Cách bố trí cổng cắm USB-C nằm ngang sẽ giúp dây không bị gập trong hầu hết trường hợp sử dụng
Và những nhược điểm phải đánh đổi:
- Khi sử dụng nhiều tải, full công suất, cục sạc sẽ nóng. Đây là điểm mà hầu như củ sạc nhỏ gọn nào cũng sẽ phải đánh đổi
- Chân gập sẽ không bền sau thời gian dài, đổi lại cho thiết kế siêu mỏng
- Chất lượng điện đầu ra chỉ ở mức khá, không đạt mức tốt hay rất tốt
- Khi sử dụng cả 2 cổng sẽ không còn full công suất 65W
Về khối lượng và kích thước cũng như sự tiện lợi, Cuktech Ultra Slim 65W đã giúp mình gọn gàng và nhẹ nhàng hơn nhiều khi cần mang theo, giảm được khoảng 160g tương ứng với gần 50% khối lượng so với khi xưa và tiết kiệm rất nhiều thể tích cho ngăn đựng phụ kiện trong balo.
Tổng kết
Cuktech Ultra Slim 65W là một củ sạc cực kì ấn tượng với kích thước siêu mỏng, nhỏ gọn nhẹ nhàng, rất phù hợp để làm một chiếc củ sạc đồng hành với những chuyến đi. Nhưng chính vì quá nhỏ gọn, nên cũng vẫn phải đánh đổi với một số điểm như chất lượng điện đầu ra chỉ ở mức khá, công suất khi sử dụng 2 cổng sẽ ít hơn mức công suất tối đa.
Tuy nhiên, với mức giá chỉ tầm 500,000đ dịp nào có sale có thể anh em sẽ mua được với mức giá khoảng 430,000đ đến 450,000đ mà lại được tặng kèm một sợi cáp C-C 100W E-Marker, mình thấy Cuktech Ultra Slim 65W lại là một củ sạc rất hợp lý trong tầm giá.
Nhưng kể ra, nếu Cuktech bán đắt hơn nữa mà chất lượng điện đầu ra tốt hơn hiện tại, mình cũng vẫn sẽ sẵn sàng chi trả thêm. Hi vọng trong tương lai, Cuktech sẽ làm điều đó với những phiên bản kế nhiệm của dòng sạc siêu mỏng này.
Để kết thúc bài viết, mình có một món quà nhỏ dành cho anh em ở dưới phần comment. Bài viết xin được kết thúc tại đây, cám ơn anh em đã theo dõi. Đồng thời cảm ơn @một-người-anh-kỹ-sư-điện-tử vì đã hỗ trợ đo đạc và trao đổi kỹ thuật để mình có thể hoàn thiện bài viết này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group chia sẻ deal hời.