Tàu vũ trụ Odyssey đánh dấu 100.000 lần bay vòng quanh sao Hỏa
Jeffrey Plaut, nhà khoa học dự án của Odyssey tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL), cho biết: “Thông thường, chúng ta chỉ thấy Olympus bằng các ảnh nhỏ chụp từ trên cao rồi ghép lại, nhưng bằng cách quay tàu vũ trụ về phía đường chân trời, chúng ta có thể thu được dáng dấp của nó trong một bức ảnh duy nhất. Hình ảnh không chỉ ngoạn mục mà còn cung cấp dữ liệu khoa học độc đáo.”
Bằng cách chụp những bức ảnh tương tự vào các thời điểm khác nhau trong năm, các nhà khoa học có thể nghiên cứu xem bầu khí quyển sao Hỏa thay đổi ra sao qua “bốn mùa”, với mỗi mùa kéo dài từ 4-7 tháng.
Năm 2008, tàu đổ bộ Phoenix đáp xuống Sao Hỏa và Odyssey khi đó là cầu nối liên lạc giữa Phoenix và Trái đất. Lúc Odyssey hướng ăng-ten về phía Phoenix, thì các nhà khoa học chợt nhận ra camera của tàu có thể nhìn thấy đường chân trời Sao Hỏa.
Cấu tạo tàu Odyssey.
Steve Sanders, kỹ sư phụ trách sứ mệnh Odyssey, giải thích: “Chúng tôi đã thiết kế một trình tự để giữ cho trường nhìn của camera chỉ tập trung vào đường chân trời khi nó quay quanh hành tinh.”
Odyssey được phóng đi vào tháng 4/2001. Đây là sứ mệnh thành công đầu tiên của NASA tới sao Hỏa sau hai thất bại trước đó. Năm 1998, Tàu Mars Climate Orbiter đã bốc cháy trong bầu khí quyển sao Hỏa. Một năm sau, đến lượt tàu đổ bộ Mars Polar Lander lao xuống bề mặt sao Hỏa. Vì vậy Odyssey được coi là sứ mệnh sửa chữa sai lầm của NASA.