Một bài học lớn của NASA
Ủy ban nhận định lỗi vòng O-ring xảy ra do tồn tại tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong các lần phóng trước đây, người ta đã quan sát thấy khí đốt lọt qua vòng O-ring thứ cấp. Nhưng do tốn chi phí và thời gian để thiết kế lại khớp nối, NASA đã từ bỏ vài yêu cầu đối với vòng O-ring và chọn chấp nhận rủi ro cao hơn. Cho tới lúc đó, vẫn chưa xảy ra sự cố nào nên họ đinh ninh rằng nó có thể tiếp tục hoạt động như cũ.
Ngoài ra, còn có áp lực công chúng quanh Sứ mệnh STS-51L: Phi hành gia dân sự đầu tiên trên tàu, một bài học khoa học trực tiếp từ không gian, sự cạnh tranh của nước ngoài và mong muốn của Tổng thống đưa nó vào các bài phát biểu đều tạo áp lực lên NASA. Cuối cùng yêu cầu phóng đúng lịch trình đã được ưu tiên hơn sự an toàn.
Nhiều tháng trước khi phóng tàu thì Roger Boisjoly, một kỹ sư của Morton Thiokol (MT) – nhà thầu chế tạo tên lửa đẩy rắn cho Challenger – đã cảnh báo về nguy cơ vòng O-ring trên tên lửa đẩy có thể bị hỏng. Tháng 7/1985, ông viết một bản ghi nhớ nội bộ gửi cho các quan chức MT để cảnh báo về vấn đề xói mòn vòng O-ring, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tiếp tục phóng mà không đánh giá chuyện này kỹ càng sẽ gây ra thảm họa ở mức cao nhất: nhân mạng.
Khi gần tới ngày 28/1, Boisjoly và đội kỹ thuật đề nghị nên hoãn việc phóng đến khi trời ấm hơn, vì vòng O-ring sẽ không hoạt động tốt khi trời lạnh. Song NASA đã bác bỏ và tiếp tục tìm kiếm sự chấp thuận cho việc phóng. Tuy thiếu sự ủng hộ của đội kỹ thuật, nhưng các nhà quản lý hàng đầu của MT vẫn bất chấp ký chấp thuận để không chậm trễ hơn nữa và tránh sự giận dữ của NASA – khách hàng lớn của họ.
Khói xám thoát ra từ tên lửa đẩy trước khi phóng.
Challenger đã thay đổi NASA
Sau thảm họa Challenger, Mỹ đã mất đi nhiều phi hành gia tài năng và một người giáo viên tận tâm. Khi chương trình Tàu con thoi tiếp tục, NASA đã đầu tư 2 tỷ USD vào khoảng 400 cải tiến. Chẳng hạn, tên lửa đẩy rắn nhận được các chốt kim loại bên trong giữ các phần lại với nhau, một vòng O-ring thứ ba được bổ sung với lớp cách nhiệt được cải tiến và các vòng đệm được làm nóng bằng điện để giữ chúng ở nhiệt độ tối ưu trong khi phóng. Tàu con thoi cũng có hệ thống thoát hiểm mới.
7 phi hành gia có mặt trên tàu, ngoài cùng bên trái là nữ giáo viên McAuliffe.
Nhiều nhà quản lý tại thời điểm xảy ra thảm họa Challenger đã bị thuyên chuyển hoặc sa thải và thay bằng cơ cấu quản lý mới. Các nhà thầu nhận nhiều sự giám sát hơn và hợp đồng thầu được trao cho nhiều công ty hơn. Nhờ nỗ lực của tân giám đốc NASA Richard Truly, được bổ nhiệm năm 1989, NASA đã trở lại vai trò là cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới.
Challenger có ý nghĩa lớn trong câu chuyện của người Mỹ vì đây là lần đầu một sứ mệnh của NASA xảy ra thiệt hại nhân mạng, một điều khá trớ trêu vì họ đã từng hoạt động rất tốt trước đó. Ngày nay, nhiều trường học ở Mỹ được đặt tên là Challenger hoặc McAuliffe để tri ân người giáo viên có mặt trên tàu. Tuy vậy thảm họa này chưa phải là cuối cùng, vào năm 2003 một tàu con thoi khác là Columbia đã nổ tung khi quay trở lại bầu khí quyển.