Ghét thầy cô giáo, một nhóm học sinh làm deepfake đăng lên TikTok để vu khống
Thầy Goffredo thừa nhận trường cũng đã nghiên cứu những giải pháp về mặt pháp lý, nhưng vì những người gây ra sự vụ này đều chưa đủ 18 tuổi, nên lựa chọn của trường là không nhiều. Theo thầy giám thị, toà án thường sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của trẻ vị thành niên, đặc biệt là những gì chúng phát ngôn hoặc đăng tải lên mạng ngoài khuôn viên trường học, bao gồm cả việc chế nhạo hoặc phê bình các nhà giáo dục trên mạng internet, trừ phi những gì học sinh đăng đe doạ tới sự an toàn của người khác hoặc của trường học.
Thay vì làm việc với cảnh sát và công tố viên, trường quyết định cho nghỉ học vài học sinh, và tổ chức một buổi hội thảo toàn khối lớp 8 về vấn đề bắt nạt trên mạng, mời cả các phụ huynh tham gia.
Becky Pringle, chủ tịch công đoàn các nhà giáo lớn nhất nước Mỹ, NEA, nói rằng các giáo viên chưa bao giờ phải đối mặt với sự quấy rối và mạo danh trên mạng internet ở quy mô như sự vụ diễn ra tại Philadelphia. Thông thường, học sinh sẽ chỉ nhắm tới một giáo viên cụ thể. Cô Pringle cho biết, nguy cơ các nhà giáo tại Mỹ bị vu khống và quấy rối trên mạng đang càng lúc càng trở nên phổ biến. Điều đó có thể đẩy các nhà giáo tới chỗ suy nghĩ về việc rời khỏi ngành, giữa thời điểm bộ giáo dục Mỹ đang đau đầu giải quyết vấn nạn thiếu hụt thầy cô giáo trên cả nước.
Thầy giám thị Goffredo nói rằng, các thầy cô có vài lựa chọn để giải quyết sự vụ lần này. Dù nhà trường sẽ làm việc với cả các học sinh lẫn phụ huynh cùng các thầy cô bị quấy rối trên mạng, nhưng thầy Goffredo cho biết “trường cũng hoàn toàn hỗ trợ các thầy cô nếu muốn tìm những giải pháp khiếu kiện tại toà án, và sẽ hợp tác với cơ quan điều tra.”
Quy chế của TikTok
Hiện tại quy chế sử dụng dịch vụ mạng xã hội mà TikTok cấm hoàn toàn hành vi mạo danh người khác trên mạng, trừ phi là những tài khoản fan đăng nội dung người nổi tiếng hoặc những tài khoản dạng “parody” vui vẻ. Mạng xã hội này cũng cung cấp những công cụ báo cáo việc mạo danh cá nhân, và yêu cầu các giáo viên phải cung cấp căn cước để yêu cầu gỡ bỏ những nội dung không có thật nhưng có hình ảnh của họ trong đó.
Hiện giờ có vẻ như những biện pháp ngăn chặn vu khống, bắt nạt và mạo danh người khác trên TikTok vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Một vài giáo viên là nạn nhân của “trò đùa” của những học sinh nói rằng, họ báo cáo thông tin giả mạo nhưng TikTok làm ngơ, không có phản hồi gì. Vài người khác thì nói rằng chứng minh bản thân bị mạo danh bằng cách cho TikTok xem căn cước không phải điều họ muốn, vì không muốn quyền riêng tư bị xâm phạm. TikTok thì đưa ra lời hứa rằng, sau khi xác thực danh tính và gỡ bỏ những nội dung mạo danh, TikTok sẽ xoá hết dữ liệu căn cước gửi về cho họ.
Chỉ có 4 trong số hơn hai chục tài khoản mạo danh là bị gỡ bỏ, sau khi một cá nhân đánh dấu và báo cáo những tài khoản này. Còn những tài khoản khác thì TikTok cho biết không truy xuất được. Vấn đề là, trong một vài trường hợp, những tài khoản này biến mất ngày hôm trước, hôm sau lại hiện ra, gây khó chịu và hoang mang cho các thầy cô. Vài thầy cô đã phải bỏ hết hình ảnh gia đình và người thân treo trong lớp học vì lo ngại bị quấy rối thêm. Vài người khác thì sợ không dám kỷ luật học sinh vì lo ngại chúng sẽ trả đũa trên TikTok.