Mỹ đình chỉ bán động cơ cho Trung Quốc, COMAC C919 nguy cơ “nằm đất”
COMAC chưa phản hồi nhưng một người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng kiểm soát xuất khẩu và cố tình ngăn chặn và đàn áp Trung Quốc.”
C919 của COMAC dù được sản xuất tại Trung Quốc nhưng vẫn sử dụng phần lớn linh, phụ kiện từ các đối tác phương Tây. Riêng động cơ, C919 hiện đang dùng động cơ LEAP-1C do CFM International – liên doanh giữa GE Aerospace của Mỹ và Safran của Pháp phát triển và sản xuất. Trong tương lai C919 có thể sẽ dùng thêm động cơ CJ-1000A ‘Dương Tử’ do chi nhánh động cơ thương mại (ACAE) thuộc tập đoàn động cơ máy bay Trung Quốc (AECC) phát triển.
Hồi tháng 3 năm 2023, một video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy CJ-1000A đang được thử nghiệm trên nền tảng là máy bay vận tải chiến lược Xian Y-20. Đến tháng 3 năm nay, AECC cho biết chương trình CJ-1000A đang tiến triển tốt và hiệu năng động cơ qua các thử nghiệm cho thấy nó vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, việc thiếu trình độ chuyên môn trong sản xuất động cơ cũng như kinh nghiệm thử nghiệm và lắp ráp là một trong những rào cản khiến CJ-1000A liên tục bị trì hoãn. Từ kế hoạch ban đầu là đưa động cơ vào khai thác trên máy bay thương mại vào năm 2020, AECC đã dời đến năm 2027 để CJ-1000A nhận được các chứng chỉ cần thiết và khai thác thương mại vào năm 2030.
Lệnh đình chỉ xuất khẩu động cơ đến vào thời điểm dòng máy bay C919 chỉ mới bay thương mại được đúng 2 năm (28 tháng 5 năm 2023) và hiện có 18 chiếc C919 đang được khai thác bởi Air China, China Eastern và China Southern. Với việc chỉ có thể giao dưới 20 chiếc trong 2 năm, COMAC đang muốn tăng sản lượng máy bay thân hẹp lên 50 máy bay mỗi năm vào năm 2025 và hơn 120 chiếc vào năm 2028. Trong khi chờ đợi CJ-1000A thì việc phụ thuộc hoàn toàn vào động cơ LEAP-1C của CFM sẽ khiến kế hoạch tăng sản lượng của COMAC khó thành, máy bay sản xuất ra đối mặt với nguy cơ nằm đất do không có động cơ.