NASA muốn xây kính viễn vọng khổng lồ trong miệng hố ở vùng tối bí mật của Mặt Trăng
Không phải ngẫu nhiên mà NASA chọn “phía tối” để xây một kính viễn vọng. Nó không những nằm trên một hành tinh khác, mà còn được làm ở một nơi kín đáo. Cho đến nay họ cũng chưa tiết lộ miệng hố này nằm ở đâu mà chỉ biết là ở bán cầu bắc Mặt trăng. Vị trí đó giúp chiếc kính này tránh bị nhiễu sóng vô tuyến từ số lượng đông đảo các vệ tinh đang quay quanh Trái đất, bởi chúng phát ra khá nhiều bức xạ. Việc đặt nó ở phía tối cũng tránh thu phải các tín hiệu đến từ chính Trái đất, điều mà các kính viễn vọng đặt trên mặt đất luôn bị ảnh hưởng. Từ đó LCRT có thể dễ dàng quan sát được hình ảnh của các thiên hà từ thời xa xưa, các ngoại hành tinh và hố đen siêu lớn.
Hiện nay dự án kính LCRT do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA quản lý và có tổng cộng 4 giai đoạn. Nó được đề xuất xây dựng vào năm 2020 và đã được NASA tài trợ 250 ngàn USD cho giai đoạn 1. Từ năm 2021 đến nay, dự án đang ở giai đoạn 2 và đã có thêm nửa triệu USD. Tới năm 2026 thì JPL có thể được cấp thêm tiền cho giai đoạn 3. Nếu hoàn tất được giai đoạn 3 thì nó sẽ được xây dựng tại một thời điểm nào đó trong thập niên 2030 với chi phí khoảng 2,6 tỷ USD.
Kính LCRT có cấu tạo khá đơn giản, chỉ gồm một chảo phản xạ lớn dùng để phản xạ sóng vô tuyến và được làm từ những lưới thép mỏng và nhẹ. Toàn bộ cấu trúc này sẽ được treo bằng nhiều dây cáp được neo cố định phía trên miệng hố. Mới đầu NASA tính làm đường kính của nó rộng tới 1 km, tức là đáng lẽ nó sẽ che phủ gần hết miệng hố, nhưng giờ phải giảm còn 350 mét.
Việc xây dựng sẽ được tiến hành tự động bằng các xe tự hành DuAxel cũng do JPL chế tạo, Chúng có 4 bánh với thiết kế gọn nhẹ, có trang bị dây buộc và chuyên dùng để đi lại trên địa hình gồ ghề của Mặt trăng. Để thả các lưới thép xuống hố, một xe sẽ đứng phía trên để làm “mỏ neo” và xe kia được thả xuống hố. Khi tới nơi nó sẽ mở tấm lưới ra và cố định nó lại. Mỗi cặp xe cứ liên tục làm như vậy cho tới khi làm xong toàn bộ chảo phản xạ, Sau khi hoàn tất, kính LCRT sẽ được treo bằng hàng loạt dây cáp và nhìn từ xa như một tấm bạt nhún. Ngoài ra còn có một bộ thu nằm ở điểm hội tụ của sóng vô tuyến và cũng được cố định bằng dây cáp.
JPL không đợi tới thập niên sau mới bắt tay làm chiếc kính này, họ đang chế tạo một nguyên mẫu tại Đài quan sát Owens Valley ở California và sẽ thử nghiệm nó cuối năm 2025. Nguyên mẫu này chỉ nhỏ bằng 1/200 chiếc kính thật, nghĩa là rộng có 1,75 mét nhưng nó sẽ giúp chỉ ra xem rốt cuộc dự án này có khả thi không.
Để tìm hiểu lịch sử hình thành vũ trụ, kính LCRT còn có khả năng thu được các sóng vô tuyến có bước sóng cực dài (hơn 10 mét), điều mà kính thiên văn trên Trái đất không làm được. Dù vậy tương lai của dự án này vẫn khá bấp bênh do chi phí đang đội tới gần 3 tỷ USD mà chưa chứng minh được tính thực tiễn là bao.
Theo NASA, LiveScience.