Hồ nước siêu mặn ở Châu Phi có thể “hóa đá” nhiều loài sinh vật
Nước hồ tại đây không những mặn mà còn có tính kiềm cao với độ pH lên đến 10,5, vì vậy nó cũng gần như một dung dịch tẩy rửa. Tên gọi Natron của hồ được lấy từ tên một loại muối hỗn hợp mà người Ai Cập cổ đã dùng để ướp xác, vì loại muối đó cũng có các muối natri cacbonat và natri bicacbonat giống như trong nước hồ. Không những có tính ăn mòn, nhiệt độ nước có khi lên đến 60 độ C vào mùa khô khiến cho rất ít loài sinh vật nào sống nổi ở đây ngoại trừ các vi khuẩn ưa kiềm và loài hồng hạc nhỏ.
Môi trường khắc nghiệt này hóa ra lại tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh của loài hồng hạc này. Nếu một loài sinh vật nào đó dám nhúng mình xuống nước hồ, chúng có thể bị bỏng da và mắt chứ chưa nói là uống nước ở đó. Nhưng những con hồng hạc nhỏ (phoeniconaias minor) lại thích nghi vô cùng tốt với môi trường đó, đến nỗi tưởng như chúng không thể sống ở nơi khác ngoài hồ Natron. Gần mắt chúng có những tuyến giống như tuyến lệ có thể thải bớt lượng muối cacbonat dư thừa nên chúng có thể vô tư uống nước. Cặp chân khẳng khiu của chúng có lớp vảy cứng giúp hồng hạc không bị bỏng khi đi lại trên hồ. Đặc biệt, vào mùa khô trên hồ sẽ hình thành các “đảo muối”, nơi an toàn để chúng làm tổ mà chẳng sợ bị thú dữ ăn thịt.
Vì vậy mà có đến 75% số hồng hạc nhỏ trên thế giới đã từng ra đời tại hồ Natron. Dĩ nhiên hồng hạc sẽ không thể sống ở đây nếu thiếu nguồn thức ăn chính, thứ khiến chúng có màu hồng: vi khuẩn lam, hay còn gọi là tảo lam (cyanobacteria). Đây là một loài vi khuẩn rất dễ sinh sôi trong môi trường kiềm. Vào mùa khô khi nồng độ muối tăng cao và mặt hồ bị thu hẹp, tảo lam càng phát triển mạnh làm nước hồ chuyển thành màu đỏ cam thậm chí đỏ như máu. Đến mùa mưa thì nước nhạt đi thành màu xanh lục hoặc xám. Ngoài ra trong hồ còn có vi khuẩn ưa mặn (haloarchaea) cũng là một tác nhân khiến nước hồ có màu cam.
Dù ngay tại hồ không có mấy loài sống nổi ngoài hồng hạc nhỏ, nhưng ở các đầm lầy xung quanh lại có hệ động vật đa dạng từ bồ câu, đại bàng cá Châu Phi, dơi, bồ nông, đà điểu, trâu cho đến linh dương đầu bò, v.v. Khi các loài này chết gần hồ, xác của chúng sẽ được bảo quản giống như kiểu xác ướp Ai Cập. Những cái xác cứng lại, bị vôi hoá nhờ lượng muối canxi cacbonat trong hồ.
Hồ này chỉ sâu từ nửa mét cho đến dưới 3 mét. Tùy theo lượng mưa, lượng nước bốc hơi cũng như lượng nước sông đổ vào mà nó sẽ rộng đến 22 km hoặc thu hẹp còn 15 km. Hiện nay khu vực hồ Natron không được xếp loại là công viên quốc gia nhưng vẫn nằm dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của Tanzania.
Theo LiveScience, SmithsonianMag.