không ngừng vượt lên nghịch cảnh để thích nghi
Cánh cụt Galápagos săn mồi
Để giúp loài chim này tồn tại, các nhà bảo tồn đang cố gắng xử lý hai mối đe dọa lớn nhất: thú săn mồi ngoại lai và nơi làm tổ bị thu hẹp. Những loài như chuột và mèo vốn được thủy thủ mang đến đảo từ hàng trăm năm trước đnag là hiểm họa đối với trứng và chim con. Gần đây, Công viên Quốc gia Galápagos và tổ chức Jocotoco đã hợp tác để tiêu diệt các loài săn mồi này, thậm chí dùng máy bay không người lái để rải bả diệt chuột trên đảo Floreana.
Bên cạnh đó, Boersma còn đi đầu trong sáng kiến tạo tổ nhân tạo – từ những hốc đá xếp tay đến việc khoét hang vào lớp đá núi lửa, mô phỏng tổ tự nhiên nhưng chống nóng tốt hơn. Và hiệu quả thực sự khả quan: những chiếc tổ nhân tạo đó đã được chim chọn làm tổ và đẻ trứng.
Một ý tưởng khác cũng rất thú vị là sử dụng ảnh chụp để nhận diện cá thể chim qua các đốm lông đặc trưng. Nhà nghiên cứu địa phương Aura Banda Cruz đã chụp ảnh chim suốt nhiều năm trên tàu du lịch, nhờ vậy có thể xác định con nào là trưởng thành, con nào là chim non, và cả tình trạng sức khỏe qua độ bóng, màu lông, hay thậm chí cả lớp rêu bám khi chúng không có thời gian làm sạch. Khi những chú chim chuyển sang màu xanh rêu, đó là dấu hiệu chúng đang phải vật lộn để kiếm ăn.
Hiện tại tuy vẫn còn nhiều thách thức, Boersma tin rằng nhờ vào kiến thức tích lũy qua nhiều thập kỷ cùng sự tiếp nối từ thế hệ nghiên cứu mới, loài chim cánh cụt Galápagos vẫn còn cơ hội tồn tại khi điều kiện biển thuận lợi, dòng nước lạnh và thức ăn dồi dào vẫn hiện diện để chúng bám trụ ở đây thêm nhiều năm nữa
Khi chim cánh cụt vượt qua mọi giới hạn
Trong một lần khảo sát tại vịnh Atka, Nam Cực, các nhà quay phim và nhà nghiên cứu đã ghi nhận một hành vi chưa từng thấy ở loài chim cánh cụt hoàng đế non: chúng lao thẳng từ một vách băng cao gần 15 mét xuống đại dương lạnh giá phía dưới. Đây không phải là cú nhảy đơn lẻ, mà là hàng trăm cá thể non trong đàn lần lượt rời khỏi mép băng bằng cách lao mình xuống nước. Mặc dù độ cao và địa hình nguy hiểm khiến cảnh tượng trở nên đầy kịch tính, hầu hết những chú chim đều sống sót và tiếp tục hành trình ra biển lớn.
Hàng trăm con cánh cụt hoàng đế con đã sống sót sau khi nhảy từ tảng băng cao 15 mét
Điểm quan trọng là các nhà khoa học vẫn chưa xác định chắc chắn liệu hành vi này có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu hay chỉ là kết quả của việc đàn chim non lớn lên trên các tảng băng vĩnh cửu (ice shelf) thay vì băng biển thấp như thông thường. Khi đến giai đoạn rời tổ, bản năng sinh tồn cùng sự thôi thúc từ nguồn thức ăn dưới biển đã buộc chúng phải thực hiện cú nhảy mạo hiểm.
Cánh cụt hoàng đế có thể được phân biệt bằng tiếng kêu của chúng
Chim cánh cụt hoàng đế là loài cánh cụt lớn nhất và cũng là một trong những sinh vật thích nghi tốt nhất với điều kiện khắc nghiệt ở Nam Cực. Bộ lông dày nhiều lớp cùng lớp mỡ dày giúp chúng giữ ấm trong nhiệt độ có thể xuống đến -50°C. Trong mùa sinh sản, chim đực giữ trứng trên chân, ủ trong túi da ở bụng suốt hai tháng liền mà không ăn uống, trong khi chim cái bơi hàng trăm cây số để tìm thức ăn. Khi chim con nở, cả cha lẫn mẹ thay nhau chăm sóc cho đến khi chúng đủ lông chống nước và có thể ra biển tự kiếm sống. Trung bình, chim non sẽ sống ngoài biển khoảng 5 năm trước khi quay lại sinh sản.
Cánh cụt hoàng đế có thể lặn sâu hơn bất kỳ loài nào khác tại đại dương
Hành vi nhảy khỏi vách băng không phải là điều thường thấy trong tập tính tự nhiên của chim cánh cụt hoàng đế. Tuy nhiên, với những biến đổi ngày càng rõ nét của môi trường sống, như băng biển tan sớm, băng vĩnh cửu chiếm ưu thế, các đàn chim có thể phải thích nghi bằng cách sinh sản ở những khu vực cao hơn. Điều đó làm gia tăng nguy cơ những lần “ra khơi đầu đời” trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Khi phải quay lại đất liền, chúng giải phóng các bong bóng khí từ chân của mình
Mối đe dọa lớn hơn vẫn là biến đổi khí hậu. Nếu xu hướng ấm lên toàn cầu tiếp tục, các mô hình dự đoán rằng đến cuối thế kỷ này, có thể đến 80% số đàn chim cánh cụt hoàng đế sẽ biến mất. Dù chúng đã tồn tại suốt hàng triệu năm và từng vượt qua không ít thay đổi môi trường, tốc độ biến đổi hiện tại có thể vượt quá khả năng thích nghi của loài chim này.
Bộ lông dày, chồng lên nhau và lớp mỡ cách nhiệt dày bảo vệ chim cánh cụt hoàng đế khỏi cái lạnh cắt da cắt thịt của Nam Cực.
Tuy vậy, sự kiện ghi nhận những cú nhảy táo bạo vừa qua cũng phản ánh khả năng chịu đựng và tính linh hoạt đáng kinh ngạc của chim cánh cụt. Trong khi những nguy cơ phía trước vẫn còn, chúng tiếp tục cho thấy rằng bản năng sinh tồn và khả năng vượt qua nghịch cảnh vẫn là phần cốt lõi trong hành trình tiến hóa của mình.
Nguồn: National Geographic