Iran nghiên cứu ra loại bê tông mới để chống lại bom phá boongke
Dù đã được trang bị trên máy bay B-2 từ năm 2013, đây là lần đầu tiên bom GBU-57 được sử dụng trong chiến sự. Còn được gọi là MOP (Massive Ordnance Penetrator), nó được làm ra để phá hủy các boongke nằm sâu và kiên cố nhất. Bom này có chiều dài 6,2 mét, đường kính 80 cm, nặng 12,3 tấn với lượng chất nổ hơn 2,4 tấn. Phần vỏ của MOP được làm từ hợp kim thép Eglin, loại hợp kim chịu được áp lực lớn để đảm bảo xuyên sâu trước khi nổ. Nó có thể đi sâu tới 60 mét trong đất đá, còn nếu gặp phải bê tông cốt thép thông thường với cường độ nén là 5000 psi thì có thể xuyên sâu 18 mét, nhưng nếu gặp bê tông cốt thép có cường độ nén 10.000 psi thì chỉ còn 2,4 mét.
Dù sở hữu khả năng ấn tượng, khả năng xuyên phá của GBU-57 vẫn bị đặt câu hỏi bởi cơ sở Fordow và một số phần tại Natanz được cho là nằm sâu tới 80 mét. Thậm chí Iran còn đang nghiên cứu một loại bê tông mới có cường độ nén lên đến 30.000 psi – đủ để làm khó bất kỳ trái bom MOP nào. Vì vậy mà người ta cho rằng chiến dịch Búa Đêm vẫn chưa phá hủy triệt để các cơ sở đó.
Có thể là các cơ sở này vẫn còn sót lại vài phần, bởi dù sao thì cũng không mấy ai biết loại bê tông nào được dùng ở đó. Iran là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ Bê tông Hiệu suất Siêu cao (UHPC), một loại bê tông có cường độ nén từ 40.000 psi trở lên. Chúng ta có thể hình dung rằng nếu bê tông bình thường vốn giòn và hay nứt thành các đường lớn, thì UHPC chỉ xuất hiện nhiều vết rạn nhỏ khi bị tác động mạnh. Nó giống như một loại vật liệu tổng hợp, có chứa những sợi thép nhỏ bên trong giúp gắn kết khối bê tông lại với nhau và ngăn chận sự lan rộng của các vết nứt.
UHPC không bị giòn như bê tông thông thường mà hơi “dẻo” hơn, giúp hấp thụ động năng của trái bom và làm bom đi chậm lại. Một nghiên cứu của Trung Quốc còn cho thấy khi va phải bê tông UHPC, đầu đạn chỉ làm nó xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ và còn bị dính lại ở khối bê tông, hoặc tệ hơn là bật ra khỏi đó luôn. Như vậy bom MOP có lẽ không phải là đối thủ của các boongke làm từ loại bê tông này.
Thậm chí UHPC cũng chưa phải là đỉnh cao của bê tông cốt thép, Trung Quốc đang nghiên cứu một loại bê tông mới có tên FGCC, là sản phẩm từ việc xếp chồng ba lớp bê tông UHPC khác nhau. Lớp ngoài cùng là UHPC siêu cứng có tác dụng làm biến dạng quả bom, lớp giữa là UHPC có sợi tổng hợp dùng để hấp thụ động năng của bom và dưới cùng là lớp UHPC có các sợi thép cứng sẽ giữ lại các mảnh vỡ. Lớp trong cùng đó sẽ đảm bảo rằng dù cho bê tông có bị nứt thì mảnh vỡ của bom cũng không lọt vào boong ke được.
Với sự phát triển như vậy thì bê tông dường như đang chiếm ưu thế trước bom xuyên phá MOP, bất chấp loại bom này đã được nâng cấp nhiều lần. Thật ra bom MOP không phải là tất cả, vẫn có những cách làm khác chẳng hạn như dùng vũ khí siêu vượt âm để nhắm vào các boongke, đó là các tên lửa có tốc độ nhanh hơn Mach 5 (6.174 km/giờ) và có lớp vỏ làm bằng vonfram. Chúng có thể xuyên qua khối bê tông nhiều lớp, không mang đầu đạn mà chỉ dùng động năng để tác động.