Hành trình tạo ra chữ viết Braille để mang lại ánh sáng tri thức cho người mù
Mãi đến năm 1844, tại buổi lễ khai trương cơ sở mới của trường INJA mà Louis công tác, các học sinh trình diễn việc sử dụng chữ Braille, và tới lúc này hệ thống mới được công nhận chính thức. Từ đó, chữ Braille dần được phổ cập rộng rãi, không chỉ ở Pháp mà còn lan sang các nước khác, trở thành biểu tượng của tri thức và quyền bình đẳng cho người khiếm thị trên toàn thế giới.
Vì sao hệ thống chữ Braille quan trọng?
Thật ra, anh em chắc cũng hiểu vai trò quan trọng của chữ viết. Và hệ thống chữ nổi không chỉ là một phương tiện đọc. Nó là chìa khóa để người mù bước vào thế giới tri thức, có thể học tập, làm việc, và sống độc lập. Quan trọng hơn, các nhà khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng việc đọc và viết, ngay cả bằng xúc giác, kích thích vỏ não thị giác, giúp tăng kết nối não bộ và khả năng tư duy.
Tuy nhiên, hiện nay số người biết sử dụng chữ Braille đang giảm mạnh. Nhiều trẻ em khiếm thị dùng máy đọc giọng nói hoặc ứng dụng số thay vì học hệ thống chữ nổi. Việc thiếu giáo viên dạy Braille cũng khiến tình hình trầm trọng hơn. Điều này khiến cho việc bảo vệ Braille không chỉ là bảo vệ một hệ thống chữ viết, mà còn là bảo vệ trí tuệ và khả năng học tập độc lập của người mù.
Tại Pháp có rất nhiều hoạt động văn hoá nhằm bảo tồn và phát triển chữ Braille
Điều đặc biệt là trong thời đại số, khi công nghệ giọng nói và màn hình cảm ứng ngày càng phổ biến, nhiều người nghĩ rằng Braille đã lỗi thời. Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục nhấn mạnh rằng việc biết đọc và viết Braille vẫn vô cùng thiết yếu. Không chỉ giúp người khiếm thị chủ động tiếp cận tri thức, Braille còn rèn luyện khả năng tư duy, tổ chức thông tin và phát triển não bộ. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi người mù đọc Braille bằng tay, vùng vỏ não thị giác vẫn được kích hoạt mạnh mẽ, giúp duy trì và phát triển các kỹ năng nhận thức quan trọng. Việc duy trì và phát triển khả năng biết chữ Braille là một lời kêu gọi cấp thiết trong thời đại số, để đảm bảo người khiếm thị không chỉ tiêu thụ thông tin mà còn thực sự làm chủ và sáng tạo tri thức.
Di sản vượt thời gian
Louis Braille mất năm 1852, khi mới 43 tuổi. Không một tờ báo nào đăng cáo phó cho ông lúc đó. Nhưng chính học trò và bạn bè đã quyên góp để dựng tượng, viết sách, truyền bá hệ thống chữ nổi đi khắp thế giới.
Mộ của Louis Braille trong điện Pantheon
Mãi đến năm 1932, chữ Braille mới được công nhận chính thức ở các nước nói tiếng Anh. Sau Thế chiến II, UNESCO giúp chuẩn hóa chữ Braille cho nhiều ngôn ngữ khác nhau từ Ấn Độ, châu Phi đến Trung Đông. Ngoài chữ viết, Braille còn phát triển cả hệ thống nhạc Braille cho giới nghệ sĩ khiếm thị.
Năm 1952, 100 năm sau khi ông mất, nước Pháp đã vinh danh Louis Braille bằng cách chuyển thi hài ông vào Điện Panthéon ở Paris, nơi yên nghỉ của những vĩ nhân nước Pháp. Riêng đôi tay ông được giữ lại ở quê nhà Coupvray trong một chiếc bình hoa sứ, như một biểu tượng của bàn tay đã “viết lại ánh sáng”.