tàu ngầm không người lái hình cá đuối của Northrop Grumman
Nó được làm ra theo yêu cầu được đưa ra vào năm 2020 của Cục các dự án Phòng thủ Tiên Tiến (DARPA) về một tàu ngầm tự động cỡ lớn có thời gian vận hành dài, phạm vi hoạt động lớn, chở được vũ khí và làm được nhiều nhiệm vụ khác nhau từ giám sát, theo dõi mục tiêu, tấn công chớp nhoáng cho đến nghiên cứu khoa học. Sau 4 năm phát triển, Northrop đã cho thử nghiệm tại ngoài khơi phía nam bang California một nguyên mẫu Manta Ray vào các tháng 2 và 3/2024. Trong đợt thử nghiệm, nguyên mẫu này đã thực hiện thành thục các thao tác di chuyển dưới mặt nước và gần như sẵn sàng đi vào hoạt động.
Không chỉ có hình dạng phỏng theo loài cá đuối Manta, tàu Manta Ray còn tuân theo chặt chẽ những đặc tính của cá đuối như khả năng hoà lẫn trong làn nước, tính cơ động cao, di chuyển nhẹ nhàng và bản tính tò mò luôn thích “biết” về mọi thứ. Manta Ray là một chiếc UUV ngoại cỡ với chiều dài tới 10 mét và rộng 14 mét, khiến chúng ta nghĩ ngay rằng lắp cả buồng lái vào trong đó cũng không thành vấn đề. Nó nặng khoảng 30 tấn với lượng tải trọng chở theo là 10 tấn. Các cảm biến đó thường là camera, hệ thống định vị thuỷ âm (sonar) và radar. Đặc biệt nó còn là một loại vũ khí khi có thể mang theo cả ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 để chống lại tàu ngầm của đối phương.
Tàu được trang bị động cơ điện và hệ thống pin Lithium-ion giúp nó đạt tốc độ 18,5 km/giờ, nhưng công suất lẫn dung lượng pin đều không được công bố. Có điều là nếu chỉ có một bộ pin cố định, thì không đủ để di chuyển được lâu và xa. Vì vậy mà có tin đồn cho rằng nó có thể tự tạo năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời, tức là lặn gần hoặc nổi hẳn lên mặt nước để sạc pin và cách kia là sạc từ năng lượng của các dòng hải lưu dưới lòng biển. Để làm được vậy Northrop đã nhờ tới công ty năng lượng xanh Seatrec để tích hợp công nghệ của Seatrec vào Manta Ray. Nhờ những cách tạo điện năng đa dạng đó mà Manta Ray được cho là có thể đi xa tới 18.500 km.
Khi quan sát bên ngoài, chúng ta thấy Manta Ray không liền một khối mà được tạo thành từ nhiều module khác nhau với các đường viền ngăn cách. Bên trong những khối đó là từng khoang riêng dùng để chứa các tải trọng cho từng loại nhiệm vụ. Khi vận chuyển thì người ta có thể tháo từng phần ra và xếp gọn trong 5 thùng container tiêu chuẩn, còn hạ thủy thì từ bến cảng lẫn tàu biển đều được. Để tăng thời gian làm nhiệm vụ, Manta Ray có thể hành xử y như một con cá đuối nhờ khả năng đi là là dưới đáy biển với công suất tiêu thụ điện cực thấp. Khả năng hoạt động êm ái đó quả thực quá phù hợp với các nhiệm vụ nhạy cảm.
Là một tàu ngầm có tính tự chủ cao và ít cần con người can thiệp, Northrop đã tạo ra một ứng cử viên phù hợp với gần như mọi nhiệm vụ mà một UUV có thể làm như trinh sát, giám sát dưới nước, theo dõi, phát hiện thủy lôi, lập bản đồ đáy biển, thăm dò tài nguyên, lấy dữ liệu môi trường biển và tác chiến chống ngầm. Khi đưa vào sử dụng, Hải quân Mỹ có thể dùng một hạm đội Manta Ray để làm mọi điều đó trên nhiều vùng biển xa xôi, tạo nên một “ưu thế” mới dưới lòng biển bên cạnh các tàu ngầm truyền thống.
Theo Aviationist, Northrop Grumman, Grey Dynamics.