Huawei có công nghệ pin cho phép xe chạy đến 3000 km mỗi lần sạc đầy
Chất điện phân thể rắn gốc sunfua có đặc tính dẫn ion cao hơn, cho phép ion Lithium có thể di chuyển qua chất điện phân rất nhanh, từ đó pin sẽ có thể sạc nhanh và xả nhanh – 2 yếu tố cực kỳ cần thiết với pin dùng cho xe điện.Tuy nhiên, chất điện phân thể rắn gốc sunfua cũng có những nhược điểm điển hình là bề mặt tiếp xúc giữa điện cực và chất điện phân kém, điện trở bề mặt cao. Điều này khiến việc dẫn truyền ion Lithium thiếu hiệu quả và góp phần hình thành dendrite.
Dendrite là cấu trúc tinh thể nhỏ, có hình dạng như rễ cây dưới kính hiển vi và chúng hình thành do Lithium tích tụ không đồng đều trên bề mặt điện cực của pin, thường là cực dương (anode) trong quá trình sạc/xả. Qua thời gian, sợi dendrite liên tục mọc dài ra, làm chai pin, tăng nội điện trở và nếu xuyên qua lớp phân cách, chạm đến cực âm thì dendrite gây đoản mạch, cháy nổ.
Vì vậy, sáng chế của Huawei tập trung vào giải quyết 2 vấn đề điện trở bề mặt và sợi dendrite với việc bổ sung ni-tơ vào chất điện phân sunfua. Theo mô tả của Huawei, “nguyên tử ni-tơ bị khoá vào mạng tinh thể sunfua” và có thể hiểu nó sẽ làm mượt bề mặt tiếp xúc giữa chất điện phân và cực dương Lithium, từ đó cải thiện độ ổn định hoá học và điện hoá tại đây. Điện trở bề mặt sẽ được cải thiện đáng kể và sự ổn định của bề mặt tiếp xúc cũng giúp ion Lithium có thể lắng đọng đồng đều hơn, từ đó ngăn sợi dendrite hình thành.
Hiện tại, công nghệ pin thể rắn đang được nhiều hãng đầu tư và thực tế đang có một cuộc đua về công nghệ này. Song song với Huawei, Toyota cũng đang phát triển pin thể rắn hiệu năng cao dành cho EV, sử dụng chất điện phân gốc sunfua với mục tiêu đạt mật độ năng lượng trên 400 Wh/kg để trang bị cho các mẫu xe hybrid và thuần điện của hãng vào năm 2028. Công nghệ chất điện phân gốc sunfua còn được rất nhiều hãng khác tập trung phát triển như Solid Power, Samsung SDI, LG Energy, SK On, Hitachi Zosen, Nissan …