Đánh giá Death Stranding 2: On The Beach
Nói là nâng cao quan điểm cũng được, nhưng chơi Death Stranding, cả hai phần, đều dễ khiến những con người đa sầu đa cảm suy nghĩ về những vấn đề bức thiết của xã hội hiện tại. Dám khẳng định những chi tiết được Kojima lồng ghép vào game đều đến từ những câu chuyện thời sự. Dễ nhìn ra, là những nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên khỏi những tác động của chính con người. Còn ở một góc khác, Kojima kể những câu chuyện rất gần với thực tại: Tỷ lệ sinh giảm, môi trường bị phá hủy, những nỗ lực chưa thành hiện thực để xanh và sạch hóa cơ sở hạ tầng năng lượng…
Anh em có thể để ý, chính hình tượng thứ vật chất đen bóng mô tả sự xâm chiếm của những con quái vật ở thế giới bên kia cũng là một ẩn dụ tài tình cho việc những loại nhiên liệu hóa thạch trong quá khứ đang ảnh hưởng tới tương lai loài người đến mức nào.
Nhưng tổng quan của toàn bộ cốt truyện, hay chính cái tagline khi ra mắt trò chơi, “liệu chúng ta có nên kết nối?”, chính là chủ đề được phô diễn một cách đầy đẳng cấp thông qua cả những đoạn cắt cảnh đậm chất điện ảnh, lẫn cả gameplay. Và đó cũng chính xác là lý do vì sao mình nói rằng, đến với Death Stranding sau khi những “shipper” yêu nghề nhất đã ở trong game cả tuần qua sẽ tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Đã chơi, đã mệt mỏi, đã khổ sở những rồi cũng đã yêu mến phần 1, mình biết chính xác những gì sẽ chờ đón mình ở phần 2. Cứ nơi nào không được kết nối với “mạng toàn cầu”, thì mình sẽ phải tự làm mọi thứ, từ việc đi bộ mang vác hàng, cho tới chiến đấu với những kẻ cực đoan, đặt từng cái thang, từng cái dây để vượt mọi chướng ngại.
Nhưng một khi đã đến được đích, kết nối những căn hầm nơi con người sống tránh né những con ma gọi là BT, thì mọi thứ khác biệt hoàn toàn. Từng chiếc xe của những người chơi trước đó để lại dành cho những người chơi đến sau. Rồi những hệ thống đổ tài nguyên để xây dựng đường xá và đường ray vận chuyển hàng hóa quy mô lớn sẽ là nơi hàng trăm người chơi cùng góp công góp của để xây dựng.
Cái cảm giác được chạy xe trên đường nhựa, mang theo chiếc xe tải cỡ lớn mang được hàng tấn hàng hóa đến mọi nơi chính là phần thưởng tuyệt vời nhất mà một người chơi Death Stranding 2 được trải nghiệm sau mọi nỗ lực vượt khó khăn trước đó.
Rồi không chỉ dừng lại ở đó, cứ mỗi khi có ai đó chạy trên con đường nhựa mà mình đã góp công xây dựng, những cái “like” và tên tài khoản PlayStation của họ sẽ hiện ra. Anh em tưởng tượng cái cảm giác đóng góp của mình trong một trò chơi thuần túy chỉ có mục chơi đơn nhưng lại giúp ích được cho hàng trăm người khác, được ghi nhận, dù chỉ bằng những con số like vô giá trị, tạo ra cảm giác hạnh phúc thực sự.
Mình đang ở cái thời điểm mà trải nghiệm xã hội trong một trò chơi điện tử khiến bản thân mình vui hơn cả việc lên mạng internet. Thay vì đi đọc bình luận mọi người tranh luận theo kiểu không có chút gì tôn trọng lẫn nhau, thì giống hệt như 6 năm về trước, Death Stranding 2 tạo ra một trải nghiệm không hẳn là bắt buộc, mà khuyến khích mọi người giúp đỡ lẫn nhau.
Anh em có thể không tin, nhưng đây là sự thật. Từng cây cầu, từng trạm sạc đến từng tuyến đường, những pixel ảo hiển thị trên màn hình game, trong một trò chơi giả tưởng, lại là thứ kích thích sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau mà chẳng một mạng xã hội nào làm được ở thời điểm hiện tại.
Đương nhiên, vẫn sẽ có những phút lặng, nơi những bản nhạc trữ tình của Woodkid, Low Roar, Silent Poets hay Magnolians ngân lên. Đấy là những giây phút chữa lành đã biến Death Stranding từ một tác phẩm gây chia rẽ trong cộng đồng trở thành một trong những tác phẩm game được yêu thích nhất trên PlayStation. Phần 2 cũng không phải ngoại lệ.
Cuối cùng, và quan trọng nhất trong số những nâng cấp về mặt lối chơi, chính là hệ thống hành động. Anh em có thể đọc review của vài trang và kênh lớn trên mạng internet, ở đó họ nói rằng Death Stranding 2 giống Metal Gear Solid hơn bao giờ hết. Họ nói cũng không sai đâu. Hệ thống vũ khí, dù không được nâng cấp mạnh, nhưng lại được điều chỉnh để từng trận chiến hay từng nhiệm vụ đòi hỏi Sam phải chiến đấu trở nên cuốn hút và hấp dẫn hơn.
Từ việc bao quát không gian để tìm và đánh dấu đối thủ, cho tới việc sử dụng trang thiết bị và trí khôn để đánh lừa đối thủ, cho tới cả hai lựa chọn giữa chiến đấu trực tiếp đến ẩn nấp và vô hiệu hóa từng tên địch, dù lối chơi hành động của Death Stranding 2 không thể so sánh được với Metal Gear Solid 5 về chiều sâu và sự đa dạng trong lựa chọn, nhưng nó tạo ra những khoảnh khắc thư giãn và đã tay hơn nhiều so với phần 1.
Đối với nhiều người, nâng cấp này đáng nói hơn nhiều so với hai nâng cấp về đồ họa và về khía cạnh xã hội hóa trong trò chơi. Nhưng với mình thì không. Mình thích cảm giác giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người chơi khác thông qua từng nhiệm vụ, từng lần xây dựng hơn.
Kết thúc bài đánh giá, xin phép đề cập tới một tuyên bố có phần ngược đời của Hideo Kojima. Cách đây ít lâu, ông thừa nhận rằng phản hồi của những người chơi test Death Stranding 2 trong quá trình phát triển có vẻ quá tích cực. Đó là điều chính ông đã thừa nhận là không muốn một chút nào. Thứ ông muốn là bắt mọi người phải trải nghiệm một thứ gây khó chịu và mệt mỏi, nhưng dần dần tạo ra cảm giác khó quên, lúc ấy mới thực sự yêu mến tác phẩm được.
Cái này thì cũng không rõ Kojima có thành công hay không nữa. Lý do là những người đã yêu mến phần trước khả năng rất cao sẽ yêu phần 2 một cách vô điều kiện, vì họ biết những gì chờ đợi họ ở phần 2. Còn với những người chơi mới, khi vẫn còn mông lung giữa việc đây là một game nhập vai, một game hành động, hay một game… giả lập đi bộ, thì những thay đổi và nâng cấp của Death Stranding 2 vẫn sẽ khiến nó trở thành một tác phẩm kén người chơi.
Nhưng, điều đó đương nhiên không khiến cho Death Stranding 2: On The Beach chỉ đơn thuần là một hậu bản ở mức khá. Nó vẫn cứ là một trò chơi xuất sắc trên PS5, không chỉ đẹp mà còn cuốn hút ở nhiều khía cạnh và phương diện, kể cả cốt truyện lẫn gameplay.