Tại sao loài người vẫn bị mê hoặc?
Thư viện Trung tâm nghiên cứu UFO, được mở cửa vào năm 1992, một phần của bảo tàng UFO ở Roswell, Mexico
Ngoài ra, có một hiệu ứng thú vị gọi là Bob Lazar Effect. Bob Lazar, cái tên gắn liền với truyền thuyết hiện đại về Area 51, đã xuất hiện trên truyền hình vào năm 1989 và tuyên bố từng làm việc tại đây với tư cách là nhà vật lý. Lazar kể rằng ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu và tái tạo công nghệ của tàu vũ trụ ngoài hành tinh. Mặc dù lý lịch của ông sau đó bị nghi ngờ khi hai trường đại học mà ông nói đã theo học đều không có bất kì thông tin nào về ông. Tuy nhiên, một số điều ông nói lại trùng khớp với hoạt động thực tế: căn cứ này thực sự đang phát triển công nghệ hàng không tiên tiến, dù không phải của người ngoài hành tinh.
Một trong những lý do khác khiến Area 51 trở nên phổ biến là văn hoá đại chúng và Internet đã khiến truyền thuyết về Area 51 lan xa hơn bao giờ hết. Các bộ phim, trò chơi, meme, và cả sự kiện “Storm Area 51” vào năm 2019, là nơi hàng ngàn người tụ tập bên ngoài căn cứ với hy vọng “nhìn thấy đĩa bay”, đã biến nơi đây thành một phần không thể thiếu trong trí tưởng tượng tập thể của nhân loại. Không chỉ thế, khu vực quanh căn cứ cũng phát triển các điểm du lịch, nhà hàng, bảo tàng, lễ hội… mang chủ đề người ngoài hành tinh để phục vụ du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Lễ hội UFO Roswell ở New Mexico, một trong những lễ hội lớn nhất tại Hoa Kỳ
Cuối cùng, những cuộc điều tra chính thức ngày nay cũng góp phần kéo dài sự quan tâm. Các hiện tượng trên không chưa thể giải thích, được gọi là UAP – Unidentified Anomalous Phenomena, tiếp tục được các tổ chức như Văn phòng Giải quyết Dị thường (AARO) nghiên cứu. Dù chưa tìm thấy bằng chứng về công nghệ ngoài Trái Đất, chính phủ vẫn mở các kênh tiếp nhận báo cáo từ quân nhân và cựu nhân viên. Những báo cáo này thường được xác định là do bóng bay, vệ tinh, hoặc drone, và các nhà khoa học nhấn mạnh chưa từng có bằng chứng thực nghiệm về công nghệ ngoài hành tinh.
Lịch sử thật sự phía sau các truyền thuyết
Thực tế, Area 51 ra đời không phải để giấu UFO, mà nhằm phát triển công nghệ do thám trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Vào năm 1955, Giám đốc CIA khi đó là Richard Bissell Jr. cùng nhà thiết kế máy bay Kelly Johnson đã chọn Groom Lake, một vùng đất cách biệt trong sa mạc, để thử nghiệm máy bay do thám U-2. Tại đây, U-2 được chế tạo chỉ trong tám tháng, có thể bay ở độ cao 21.000 mét – cao vượt trội so với khả năng radar và tên lửa thời đó.