Ngôn ngữ mà người lớn sử dụng ảnh hưởng thế nào tới sự tò mò và hứng thú khoa học của trẻ em
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần thay đổi một chút cách dùng từ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Ví dụ, một thí nghiệm nổi tiếng đã chỉ ra rằng các bé gái từ 4 tuổi đã kiên trì hơn với các hoạt động khoa học khi được khuyến khích bằng ngôn ngữ hành động kể trên thay vì ngôn ngữ định danh tính. Khi không bị áp lực phải “trở thành ai đó”, trẻ cảm thấy tự do hơn để thử, sai, rồi lại thử tiếp. Đây về bản chất là yếu tố cốt lõi của quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, những khuôn mẫu giới tính lâu đời như hình ảnh nhà khoa học thường là nam, da trắng, đeo kính vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của nhiều thế hệ. Khi trẻ được hỏi vẽ hình một nhà khoa học, phần lớn các em vẫn nghĩ tới nam giới, dù xu hướng này đang dần thay đổi nhờ các chiến dịch truyền thông đa dạng hóa hình mẫu khoa học. Tuy nhiên, tác động của khuôn mẫu này vẫn rất mạnh mẽ: nhiều bé gái hoặc bé có màu da khác biệt cảm thấy mình không phù hợp với lĩnh vực này, chỉ vì không thấy ai giống mình trong vai trò đó. Khi ngôn ngữ gắn liền với hình tượng, sự phân biệt đó sẽ dễ dàng bị bị khắc sâu. Các bé hoàn toàn có thể nghĩ: “Nếu em không giống họ, em không thể làm điều đó.”
Và việc sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp sẽ khuyến khích trẻ tìm tòi, khám phá
Không chỉ dừng lại ở cảm nhận cá nhân, những định kiến này còn có ảnh hưởng lâu dài đến lựa chọn nghề nghiệp và ngành học của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay từ lớp 1, các bé gái đã ít quan tâm đến các lĩnh vực như khoa học máy tính hay kỹ thuật. Đến cấp 3, ngay cả những bé gái học giỏi khoa học cũng không chọn ngành STEM nhiều như các bạn nam có thành tích thấp hơn. Điều này cho thấy, những tín hiệu ngôn ngữ và hình mẫu xã hội mà trẻ tiếp nhận từ nhỏ có thể tích tụ thành rào cản vô hình, ảnh hưởng đến cả tương lai của các em.
Như vậy, điều quan trọng ở đây là thay đổi cách chúng ta trò chuyện với trẻ. Thay vì hỏi “Con có muốn trở thành một kỹ sư không?”, hãy thử “Con có muốn cùng ba sửa cái đồng hồ này không?” Hay thay vì khen “Con đúng là một nhà khoa học nhỏ”, hãy thử “Con vừa làm một thí nghiệm hay ho đó!” Chính ngôn ngữ hành động sẽ mở ra không gian cho trẻ thử, sai, rồi lại thử tiếp và đó mới là cách học khoa học thực sự. Những hoạt động thường ngày như nấu ăn, quan sát thiên nhiên, chơi Lego, thậm chí là sửa chữa đồ dùng trong nhà đều có thể trở thành “bài học khoa học” nếu người lớn biết cách khơi gợi và dẫn dắt bằng ngôn ngữ phù hợp.
Tuy nhiên, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu hình thành bản sắc cá nhân, ngôn ngữ gắn với danh tính lại có thể phát huy tác dụng tích cực. Ở giai đoạn này, trẻ thường tự hỏi “Mình là ai?”, “Mình muốn trở thành người như thế nào?” Nếu được khuyến khích tưởng tượng về một tương lai với vai trò nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, các em sẽ có thêm động lực để học tập và rèn luyện, hướng tới mục tiêu lâu dài. Một nghiên cứu cho thấy, khi học sinh trung học được gợi ý về bản sắc nghề nghiệp tương lai liên quan đến khoa học, các em làm bài tập nhiều hơn và đạt thành tích cao hơn.
Như vậy, một điểm quan trọng khác là ba mẹ và thầy cô cần linh hoạt điều chỉnh ngôn ngữ, tùy theo độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ: nhấn mạnh hành động, quá trình khi trẻ còn nhỏ; nhấn mạnh bản sắc cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp khi trẻ lớn hơn. Sự kết hợp này vừa giúp duy trì niềm yêu thích khoa học, vừa hỗ trợ trẻ xây dựng hình ảnh tích cực về bản thân trong tương lai.