Cắt giảm kinh phí hoạt động, Intel kết thúc Clear Linux OS
Về cơ bản, Linux là một hệ sinh thái cực lớn và nó có rất nhiều bản phân phối (distro). Vì đặc tính nguồn mở, mọi cá nhân hay tổ chức đều có thể tự “vọc” Linux theo mong muốn của họ nên hệ quả phái sinh là không phải distro nào cũng có tính năng giống nhau. Có những distro chỉ được làm riêng cho một số phần cứng hoặc phần mềm nhất định. Cũng vì lẽ này, việc tích hợp những công nghệ phần cứng mới nhất trên Linux bị phân mảnh và không phải lúc nào bản kernel mới nhất cũng sẽ “hiểu được” những phần cứng mới nhất.
Từ đó, để trình diễn cho giới công nghệ thấy được hiệu quả một tính năng mới nào đó, tốt nhất là bạn hãy có bản Linux của riêng mình, được code cho riêng con chip mới nhất của mình. Bản Linux này chỉ nhằm mục đích “demo công nghệ”, chứ không phải để chiếm lĩnh thị phần với Red Hat, openSUSE hay Ubuntu, Debian… Và đó là lý do Clear Linux ra đời – giúp Intel thể hiện những tính năng x86 mới nhất. AMD tuy không phải người làm ra Clear Linux nhưng cũng được “hưởng ké” ít nhiều khi sản phẩm x86 của họ cũng có cơ hội toả sáng trước các nền tảng khác như ARM, MIPS, RISC-V.
Nhưng là “hàng demo” nên mục tiêu của Clear Linux không phải là lợi nhuận. Nó không được tạo ra để “giành ăn” với các cây đa cây đề Linux khác. Và tất yếu là Clear Linux chỉ để “tạo fame” – dù có ra tiền hay không thì Intel vẫn phải dành một lượng kinh phí, nhân sự tối thiểu để xây dựng, vận hành và bảo trì OS này. Nói cho đơn giản thì Clear Linux là một “cỗ máy đốt tiền”, tương tự các hình thức marketing khác, nhưng ở level kỹ thuật chuyên sâu hơn các chiến dịch quảng cáo nhắm tới số đông khác.
Gọi là “đốt tiền” nhưng thực chất trong mọi hoạt động kinh doanh của các tập đoàn lớn, hình thức marketing này luôn phải duy trì để thể hiện vị thế của một doanh nghiệp. Lợi ích kinh tế của Clear Linux không được tạo ra một cách trực tiếp mà “âm thầm” qua cảm nhận của khách hàng – khi một tính năng nào đó càng ấn tượng thì khả năng các distro Linux khác cũng sẽ hỗ trợ càng cao. Một chi tiết cần nói rõ là hầu hết các hệ thống server đều rất đắt đỏ và không phải ai cũng sẵn sàng “xuống tiền” cho những tính năng mới khi họ chưa thấy được hiệu quả của chúng. Một sản phẩm demo cụ thể sẽ giúp các kế hoạch chi tiêu mua sắm trở nên rõ ràng hơn.
Và dĩ nhiên, sau cùng lợi ích đó cũng được “tiền hoá” nếu tính năng này chỉ có trên nền tảng của Intel chứ không phải công ty khác.
Phoronix, một chuyên trang về Linux, có nhận định như sau: “Clear Linux đem lại nhiều tối ưu về hiệu năng tức thời cho các hệ thống Linux cũng như thể hiện được những gì có thể làm khi đóng gói các bộ cài kèm theo các profile được tối ưu sẵn, liên kết thời gian cũng như là tinh chỉnh kernel, cùng nhiều cải tiến khác trong nhiều năm qua. Ít nhất có một số distro như CachyOS đã tiếp nhận một số tối ưu này. Kỹ sư Intel cũng đã làm việc với nhiều bộ distro Linux có ảnh hưởng lớn để tối ưu hiệu năng của họ”.
Clear Linux nói riêng là một phần trong chiến lược marketing dài hạn của gã khổng lồ x86. Một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc sản phẩm của Intel được “ca tụng” bền bỉ và ổn định chính nhờ họ đã chi không ít tiền để làm việc với các hãng phần mềm, cộng đồng lập trình viên. Điều tương tự có thể thấy rõ với hệ sinh thái của CUDA của NVIDIA – phần cứng có tốt đến đâu và hỗ trợ của phần mềm không rộng rãi thì cũng khó mà thành công. Dĩ nhiên Intel còn thực hiện điều này lâu và dài hơn NVIDIA nhiều, cả từ giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với Sun hay IBM.
Có thể thấy việc Intel ra đời Clear Linux là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn. Nhưng không có nghĩa mọi chiến lược là vĩnh viễn. Tình hình hiện tại của hãng này đang “bi đát” hơn khi nào hết nên những dự án “đốt tiền” bị cắt lần lượt là không thể tránh. Với mục tiêu lãi tối thiểu 50% của Lip-Bu Tan, sự tồn tại của Clear Linux rõ ràng là điều không chấp nhận được “vào thời điểm này”, ít nhất trong con mắt của các cổ đông.