RTX 5090, 128GB RAM DDR5, giá 142 triệu
Cộng với những tối ưu từ NVIDIA như hỗ trợ tính toán FP4 tốc độ cao, băng thông bộ nhớ GDDR7 nhanh hơn (28Gbps) và được tối ưu về điện áp, từ đó hiệu năng Gen AI tăng lên ít nhất là gấp đôi theo công bố của NVIDIA, còn với thử nghiệm của mình mặc dù không có RTX 4090 để so sánh trực tiếp khi chạy cùng một model, nhưng ít ra là so với MacBook vốn được cho là tối ưu hơn cho việc chạy model AI local trên máy vì bộ nhớ Unified Memory tốc độ cao thì bây giờ khoảng cách đó không còn là vấn đề.
Nhưng nói gì thì nói, nếu chủ yếu tập trung vào hiệu năng gaming, render sáng tạo nội dung thì với mình, RTX 5090 chưa thực sự thuyết phục ở thời điểm hiện tại. Cộng với mức giá chênh lệch, mình nghĩ rằng phiên bản RTX 5080 là sự lựa chọn hợp lý hơn, khi hiệu năng ngang ngửa RTX 4090 và chỉ thua một chút xíu so với RTX 5090 mà việc này khi áp dụng vào game chỉ chênh khoảng đôi mươi FPS mình nghĩ không phải vấn đề lớn.
Còn lại, nếu bạn muốn RAM nhiều, bạn muốn những gì tốt nhất, mới nhất, tối ưu cho tác vụ AI thì rõ ràng không có cấu hình nào chạy Windows tốt hơn RTX 5090 bây giờ.
Nhiệt độ GPU
Khi full load (test với Furk Mark v2.8) thì nhiệt độ tối đa của RTX 5090 là 76 độ C, không thay đổi gì so với tiền nhiệm, tức là không nóng hơn mà cũng không mát hơn, xung boost tối đa là khoảng 1725MHz (mình chạy ở chế độ Manual trong Armoury Crate) Và Memory Clock là 2550MHz.
Đây là nhiệt độ mình vẫn đánh giá là ổn so với mặt bằng chung của laptop, có lẽ chỉ có tản nhiệt chất lỏng trên laptop thì mới có thể giúp cho RTX 5090 có nhiệt độ thấp hơn 76 độ C, hoặc ở trong môi trường lý tưởng. Việc loại bỏ dữ liệu nhiệt độ hot spot trên RTX 50 Series thì mình nghĩ với laptop nó không phải là điều quá đáng chú ý.
Hiệu năng CPU Intel Core Ultra 9 275HX
Gần như là mạnh nhất của Intel dành cho laptop, Intel Core Ultra 9 275HX được xây dựng trên die chip Arrow Lake-S desktop, dành cho các mẫu “desktop replacement” 16-18″, là high-end flagship của các hãng mà ROG Strix SCAR 16 2025 là điển hình.
CPU flagship của Intel nửa đầu năm 2025 này có tổng cộng 24 nhân và 24 luồng (không còn SMT), bao gồm 8 nhân hiệu năng cao P-core Lion Cove và 16 nhân E-core Skymont. Xung đơn nhân boost tối đa (P-core) là 5.5GHz, TDP 55-160W, xung boost đa nhân tối đa là 4.8GHz. Theo công bố của Intel, hiệu năng đơn nhân của Arrow Lake-HX sẽ mạnh hơn khoảng 5% so với thế hệ tiền nhiệm là Raptor Lake-Refresh và hiệu năng đa nhân là hơn 41%.
Thực tế với bài test Cinebench R23 của mình ở chế độ Manual, Intel Core Ultra 9 275HX cho hiệu năng đa nhân mạnh hơn khoảng 30% so với thế hệ tiền nhiệm là Core i9-14900HX, còn hiệu năng đơn nhân là gần như không có sự khác biệt nào đáng kể.
Năm nay Intel không còn dùng công nghệ siêu phân luồng nhưng hiệu năng đa nhân vẫn được cải thiện. Đồng thời, năm nay, Intel mở khóa ép xung cho cả nhân P và nhân E, hỗ trợ RAM DDR5-6400 và hỗ trợ luôn cả OC qua XMP. Tất cả các mẫu Arrow Lake-HX năm nay của Intel đều hỗ trợ Thunderbolt 5, hỗ trợ cả chuẩn RAM CAMM2, mức RAM tối đa mà một con chip Intel Core Ultra 200HX series có được là 192GB RAM.
Intel Core Ultra 200HX series với nền tảng chipset 800 Series cũng sẽ hỗ trợ Wi-Fi 7, 4 lane PCIe 4.0 và 4 lane PCIe 5.0 cho SSD, hỗ trợ Bluetooth 5.4, DP 2.1, HDMI 2.1.
iGPU của Intel Core Ultra 200HX sẽ có tối đa 8 nhân Arc Xe, kiến trúc Alchemist. ntel cho biết, hiệu năng gaming với iGPU tích hợp tăng 22%, đồng thời có thể kết hợp với NPU để ăng tốc vận hành AI edge. Kết hợp cả CPU, GPU và NPU, chip Arrow Lake H tạo ra được tối đa 99 TOPS xử lý mô hình machine learning.
Những gì mà Intel làm được trên Arrow Lake-HX Series tính đến thời điểm này cũng không phải gọi là quá đột phá, hãng đang bị mắc kẹt trong các tiến trình sản xuất của mình và có lẽ sự đột phá sẽ đến khi tiến trình 18A chính thức đi vào thương mại.
Về nhiệt độ CPU, con số cũng không có gì thay đổi so với thế hệ trước, 100 độ C khi full load và có khi lên đến 106 độ C khi chạy đồng thời cả CPU và GPU ở mức công suất tối đa. Theo ASUS, ở chế độ Manual, CPU sẽ “ăn” 80W và dành 175W cho GPU, tổng công suất là 255W, nhưng thực tế, khi mình chạy Cinebench R23 đa nhân và FurMark cùng lúc thì GPU vẫn “ăn” gần 170W trong khi CPU thì “ngốn” 140-160W tùy thời điểm và điều đó dẫn đến nhiệt độ CPU là 106 độ C. Tổng công suất bộ sạc của ROG Strix SCAR 16 2025 là 380W.
Hệ thống tản nhiệt
ASUS trang bị cho ROG Strix SCAR 16 2025 hệ thống tản nhiệt kết hợp giữa buồng hơi (vapor chamber) và 3 quạt tản nhiệt kết hợp với các khe hút gió và thoát gió thông minh. Mình đánh giá hệ thống tản nhiệt này hoạt động vô cùng hiệu quả nhưng hơi ồn. Độ ồn là điều buộc phải đánh đổi khi muốn laptop tản nhiệt tốt, độ ồn cảm nhận rất rõ và át hoàn toàn âm thanh khi chơi game, quạt quay ở 6500-7000 RPM khi hiển thị trong Armoury Crate.
Toàn bộ khu vực kê tay, bàn phím và hai bên hông không bị ảnh hưởng bởi khí nóng bởi vì nó được phả thẳng ra đằng sau và nếu không may ai đó ngồi đối diện bạn thì chúc mừng người đó đã có cái lò sưởi bên cạnh.
ASUS tiếp tục sử dụng keo tản nhiệt kim loại lỏng để làm mát cho CPU và GPU, đồng thời sử dụng thêm 1 quạt gió để tăng cường airflow làm mát cho hệ thống tản nhiệt.
Khả năng nâng cấp
Bạn có thể dễ dàng nâng cấp RAM và SSD mà không cần đụng tay vào bất kỳ một con ốc vít nào và cũng chẳng cần một dụng cụ nào. ROG Strix SCAR 16 2025 trang bị 2 khe M.2 2280 4TB của SK Hynix và 2 khe RAM DDR5 có sẵn 2 thanh 64GB bus 5600 của Crucial. RAM mặc định theo hãng chia sẻ là 32GB của SK Hynix.
Tốc độ đọc ghi của 4TB SSD là cực cao bởi nó đang được thiết lập RAID 0 sẵn từ khi mua máy, nhưng hơi tiếc vì RAM của ROG Strix SCAR 16 2025 không có nâng cấp gì so với phiên bản 2024.
Màn hình hiển thị
Đây là điểm hiếm hoi không thay đổi đáng kể so với phiên bản 2024, chúng ta vẫn có màn hình IPS với bóng mini LED trên kích thước 16-inch, độ phân giải 2560 x 1600, tốc độ làm tươi 240Hz.
Tấm nền này có đến hơn 2000 vùng local dimming zones, chúng ta có thể tùy chỉnh trong Armoury Crate hiển thị theo 1 vùng, nhiều vùng hoặc nhiều vùng với độ sáng mạnh và điểm yếu của mini LED sẽ được bộc lộ rõ. Mặc dù độ sáng rất cao (SDR hơn 600 nits và HDR hơn 1400 nits) nhưng tình trạng blooming khá nặng, nếu để ở One-zone thì sẽ đỡ nhất.
Độ bao phủ các dải màu và độ chính xác màu sắc trên tấm nền này là rất cao, tấm nền được cung cấp bởi BOE có 100% sRGB, 99% DCI-P3, 88% AdobeRGB và delta E chỉ khoảng 1.7.
Ngoại trừ tình trạng blooming thì mình không có gì để phàn nàn về chất lượng hiển thị của ROG Strix SCAR 16 2025, nhưng bản thân mình vẫn mong muốn một tấm nền OLED 4K 165Hz hoặc 240Hz để tận dụng hết sức mạnh phần cứng và xứng tầm với một chiếc laptop flagship hơn.
Thiết kế của máy
Sự lột xác đến từ những chi tiết nho nhỏ trên khung máy như mặt A với họa tiết AniMe Vision vốn là đặc trưng của dòng Zephyrus G (nhưng giờ không còn nữa), hơn 800 bóng LED được chiếu xuyên qua hơn 8000 lỗ nhỏ được khắc CNC cực kì chính xác và nhiều hiệu ứng để lựa chọn, tăng thêm phần cá tính và mức độ nhận diện thương hiệu.
Điểm thứ hai là dải LED RGB bao quanh phần mặt D, làm cho ROG Strix SCAR 16 thêm phần màu sắc hơn và nổi bật hơn nữa, mình rất thích chi tiết này.
Điểm thứ ba là mặt D có khả năng tháo rời cực dễ chỉ với một chốt gạt duy nhất, không ốc vít, không cần công cụ, bạn có thể vệ sinh quạt dễ dàng, thay RAM hay nâng SSD như đã chia sẻ ở trên.
Tổng thể ROG Strix SCAR 16 được tút tát lại, ngầu hơn, ít cắt xẻ hơn, tạo cảm giác liền lạc hơn, vật liệu thì vẫn là sự kết hợp của kim loại và nhựa. Có lẽ sau khi thay đổi về thiết kế thì mình nghĩ ASUS nên bắt đầu suy nghĩ đến chuyện thay đổi vật liệu để xứng đáng với vị thế của mình.
Máy nặng tổng cộng 2.8kg chưa tính củ sạc và đây không phải là thiết bị lý tưởng nhất để bạn mang đi mỗi ngày trong ba lô, máy cũng thuộc loại dày chứ không mỏng manh như ultrabook đâu.
Bàn phím với thiết kế chuẩn Esport mà ASUS mang lại thì nhìn chung vẫn cho cảm giác rõ phím rất tốt, hành trình sâu, phím nảy, layout hợp lý, LED RGB nhiều hiệu ứng chỉnh tóe loe.
Touchpad diện tích rộng, thiết kế dạng clickpad, tích hợp phím số ảo NumLnk.
Năm nay có một nâng cấp đáng khen trên ROG Strix SCAR 16 đó là mở khóa khuôn mặt qua Windows Hello, ít ra chúng ta không cần phải nhập mã PIN mỗi lần mở máy nữa.
Cổng kết nối trên ROG Strix SCAR 16 2025 đầy đủ từ Thunderbolt 5 USB-C cho đến USB-A, HDMI 2.1, cổng LAN và jack 3.5mm. Năm nay mình chê cổng sạc của máy vì nó khá là lỏng lẻo.
Tạm kết
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ROG Strix SCAR 16 2025 là phiên bản có nhiều nâng cấp so với năm 2024, còn nó có tương xứng hay không thì còn tùy vào mục đích sử dụng của bạn với máy là gì.
Như mình đã nói, nếu bạn là người dùng thiên về giải trí như chơi game, livestream, làm đồ họa, dựng phim…v…v thì ROG Strix SCAR 16 2025 là bản nâng cấp chưa hoàn toàn thuyết phục cả về hiệu năng lẫn mức giá. Còn ngược lại, nếu bạn đang cần một cỗ máy để làm AI, để phát triển các ứng dụng AI, để chạy mô hình AI local phục vụ công việc thì RTX 5090 và có thể nâng lên 128GB RAM là những nâng cấp cực kì đáng giá.
Tổng kết lại, theo mình, thay vì bỏ ra số tiền 142 triệu đồng đến 150 triệu đồng cho phiên bản RTX 5090 thì bạn có thể lựa chọn phiên bản RTX 5080, giá rẻ hơn mà hiệu năng thì không chênh lệch gì đáng kể, hoặc chờ đợi phiên bản Strix G 2025 được trang bị 5070Ti 5080 với mức p/p tốt hơn.
Anh em quan tâm sản phẩm có thể xem thêm tại đây.