Hệ thống phòng thủ tên lửa trong tương lai của Mỹ
Sau khi nghiên cứu và nâng cấp hoàn chỉnh, hệ thống này có thể bảo vệ Mỹ khỏi tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm, máy bay không người lái, bất kể chúng mang đầu đạn thông thường hay hạt nhân. Nó sẽ đánh chặn được các tên lửa ngay cả khi chúng tấn công từ nhiều phía hoặc từ không gian.
Mỹ cần phải hiện thực hoá Golden Dome bởi nhiều đối thủ đang ra sức chế tạo các tên lửa đạn đạo chứa được nhiều đầu đạn, hoặc tên lửa siêu vượt âm có thể nhắm vào Mỹ trong vòng một tiếng và di chuyển với tốc độ 9.656 km/giờ, các tên lửa hành trình có thể né tránh radar lẫn hệ thống phòng không, tàu ngầm có thể tiếp cận bờ biển của Mỹ và thậm chí cả vũ khí không gian.
Một phần của hệ thống phòng thủ này là các tên lửa đánh chặn và cảm biến đặt dưới mặt đất, trong khi phần còn lại sẽ đặt trên quỹ đạo không gian. Điều đó giúp nó kiểm soát được toàn bộ đường đi của tên lửa đối phương từ lúc phóng đi cho đến chặng cuối hành trình. Do hệ thống phòng thủ hoạt động ở khoảng cách xa, nên nó được lập trình phải nhanh và chính xác.
Golden Dome còn được phối hợp cùng với các vệ tinh theo dõi và cảnh báo sớm tiên tiến trên không, đồng thời sẽ được liên kết mạng lưới để giúp mọi thứ hoạt động thông suốt với nhau. Hệ thống này cũng bao gồm nhiều lớp phòng thủ và có thể dễ dàng nâng cấp.
Các tên lửa đánh chặn trên mặt đất có thể được một số công ty lớn như Lockheed Martin, Raytheon và SpaceX sản xuất. Một số nhà thầu hỗ trợ như: nhà phát triển phần mềm Palantir và nhà sản xuất drone Anduril.
Golden Dome là một dự án mang tính đột phá nhưng nhiều rủi ro. Đối thủ sẽ làm mọi cách để chống lại Golden Dome, chẳng hạn chế tạo nhiều tên lửa và mỗi tên lửa chứa nhiều đầu đạn hạt nhân nhằm làm quá tải hệ thống phòng thủ. Như vậy Golden Dome ra đời sẽ dẫn đến việc xuất hiện nhiều vũ khí khó kiểm soát. Chưa kể việc triển khai các hệ thống đánh chặn trên quỹ đạo có nguy cơ đẩy nhanh một cuộc chạy đua vũ trang trên không, biến không gian thành một chiến trường mới.