Trung Quốc dùng chó robot AI để bảo vệ trạm vũ trụ Thiên Cung
Lý do thứ hai là việc quân sự hóa không gian. Dù hiện tại Trung Quốc khẳng định đây là biện pháp phòng vệ, nhưng rõ ràng đây là một phần trong xu hướng toàn cầu: không gian đang ngày càng trở thành khu vực quân sự mà các quốc gia muốn có mặt. Mỹ đã thành lập Lực lượng Không gian, Nga phát triển vũ khí chống vệ tinh (ASAT), còn Trung Quốc cũng công khai xem vũ trụ là “mặt trận tối quan trọng” trong chiến lược quốc phòng. Giờ đây, con người không còn “khám phá không gian” nữa mà là tranh giành vị trí và quyền kiểm soát. Và với định hướng này, Trung Quốc đã thành lập lực lượng không gian riêng từ năm 2024 và thể hiện năng lực thao tác vệ tinh sát gần (RPO) với độ chính xác cao, thậm chí vượt mặt cả các kế hoạch của Mỹ.
Cuối cùng là tác động từ bối cảnh chiến lược và pháp lý. Mặc dù Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 cấm triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài vũ trụ, nhưng không có điều khoản rõ ràng nào ngăn cấm các hệ thống phòng vệ như robot “đẩy nhẹ”. Điều này tạo ra một vùng xám pháp lý mà các cường quốc đang tận dụng. Trung Quốc gọi các robot của mình là “tàu kéo” chứ không phải vũ khí, từ đó giữ được danh nghĩa tuân thủ luật quốc tế, đồng thời đặt ra tiền lệ cho các hành động phòng vệ tích cực ngoài không gian. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo, cùng với sự suy yếu của các hiệp ước kiểm soát vũ khí không gian và thiếu quy định cụ thể, nguy cơ chạy đua vũ trang trên quỹ đạo sẽ ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, các hệ thống như “chó canh gác” còn cho thấy một lỗ hổng lớn trong luật pháp quốc tế về không gian – nơi chưa có quy tắc ứng xử rõ ràng giữa các cường quốc. Khi các quốc gia hành động đơn phương để bảo vệ lợi ích của mình trong vũ trụ, nguy cơ xung đột hoặc hiểu lầm ngày càng tăng. Một vụ “xô đẩy” ngoài không gian, trong kịch bản xấu nhất, có thể là chất xúc tác cho một cuộc chiến trên mặt đất.