SSD dùng cáp quang? Tốc độ cao, khó nhiễu tín hiệu, ổ cứng có thể nằm xa máy chủ hàng chục mét
Nguyên mẫu SSD dùng kết nối quang học này bao gồm một SSD thông thường của Kioxia nhưng có thêm một mạch điều khiển quang học để chuyển đổi tín hiệu từ điện sang quang học sau đó truyền dẫn tín hiệu qua cáp quang. Tom’s Hardware cho biết khi với hệ thống demo ở Computex, SSD dùng cáp quang hầu như không giảm sút về hiệu năng IOPS và băng thông so với SSD thông thường.
Kioxia xác nhận công nghệ trên vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng hãng đã có kế hoạch thu nhỏ các thành phần của mạch chuyển đổi để nó có thể lắp vừa kích thước ổ SSD chuẩn doanh nghiệp. Như hình trên, chúng ta có thể thấy mạch chuyển đổi tín hiệu quang điện tử hiện lớn hơn cả chiếc ổ Kioxia CM7 Enterprise với form ổ E3.S.
Kioxia cũng đã hợp tác với AIO Core và Kyocera để phát triển nguyên mẫu SSD PCIe 5.0 dùng kết nối quang học băng thông rộng. Nguyên mẫu này sử dụng bộ thu phát tín hiệu quang học IOCore của AIO Core và mô-đun quang điện tử tích hợp Optinity của Kyocera. Tài liệu demo cho biết với giải pháp PCIe 5.0 này thì không chỉ SSD, bộ nhớ RAM cũng có thể khai thác kết nối quang học. Mô-đun Optinity có thể xử lý băng thông đến 512 Gbps (64 GB/s), như vậy đủ đáp ứng nhu cầu băng thông của RAM DDR5 tiêu chuẩn với tốc độ dưới 8000 MT/s.
SSD với kết nối dữ liệu bằng cáp quang có thể thay đổi cách thiết kế các trung tâm dữ liệu hoặc máy chủ. Khi SSD không cần kết nối trực tiếp với bo mạch chủ, chúng có thể được bố trí tại một nơi khác dễ bảo trì, dễ làm mát, dễ thay thế hơn. Từ đó nó mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cho thiết kế trung tâm dữ liệu. SSD dùng kết nối quang học là kết quả của dự án “Phát triển công nghệ trung tâm dữ liệu xanh thế hệ tiếp theo” của Nhật Bản. Dự án này được tài trợ bởi Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới (NEDO) trong đó các công ty như Kioxia, Kyocera và AIOCore sẽ phát triển các công nghệ với mục tiêu giảm 40% năng lượng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu hiện tại.