nền văn minh tinh tế của kim loại, nghệ thuật và quân sự
Dấu tích khảo cổ nổi bật như các ngôi mộ quý tộc ở Hochdorf, Hohmichele, hay các khu định cư Heuneburg, Hohenasperg, với tường thành, khu dân cư riêng biệt và không gian công cộng, cho thấy ý thức tổ chức xã hội cao và sự phát triển đô thị sớm. Trong thời kỳ Hallstatt, vốn là một giai đoạn sơ kỳ của nền văn minh Celtic, một số quý tộc còn sở hữu hàng hóa xa xỉ từ Địa Trung Hải, cho thấy mạng lưới thương mại rộng lớn. Đến thời La Tène, khoảng 450 TCN – 1 TCN, các đô thị kiên cố (oppida) tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và thương mại quan trọng trước khi chịu sự bành trướng của đế chế La Mã
Chiến tranh, ngựa và cải tiến quân sự
Chiến tranh là phần không thể thiếu trong văn hóa Celtic, và cũng là cách tầng lớp quý tộc khẳng định quyền lực. Trong quá trình chuyển đổi từ thời kỳ Hallstatt sang La Tène, xã hội Celtic chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm tài nguyên như muối, thay đổi cơ hội thương mại và bất bình đẳng giàu nghèo giữa các khu vực, dẫn đến sự phân tán dân cư về nông thôn, với nhiều khu định cư La Tène nằm gần sông. Trong giai đoạn này, người Celt nổi tiếng với các chiến công như cuộc tấn công thành Rome năm 390 TCN và đền Delphi năm 279 TCN. Ngoài ra, nhiều chiến binh Celtic còn tham gia làm lính đánh thuê cho các đội quân Hy Lạp hóa. Họ phát triển mô hình quân đội có tổ chức, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hy Lạp và Etruscan. Bên cạnh đó, họ cũng sáng tạo ra áo giáp bằng vải gai cứng. Đây là một thiết kế sau này được La Mã sao chép, đặc biệt là lưới giáp (chainmail), một cải tiến nổi bật trong lịch sử quân sự. Lệnh chiến đấu được truyền qua tiếng kèn đồng dài gọi là carnyx, tạo hiệu ứng thị uy trên chiến trường.
Pháo đài Celtic trên đỉnh núi Ipf, cách thành phố Munich 160km về phía Tây Bắc.
Bên cạnh những cải tiến về mặt quân sự đó, ngựa cũng đóng vai trò then chốt trong quân đội Celtic. Dù không được dùng để cày ruộng vì công nghệ yên ngựa chưa đủ phát triển, chúng lại là biểu tượng địa vị và phương tiện chiến đấu chính. Ban đầu, ngựa chỉ được dùng để kéo chiến xa nhẹ. Sau đó người Celt trở thành kỵ binh nổi tiếng khắp châu Âu cổ đại, được La Mã thuê làm lính đánh thuê. Ngựa cũng mang ý nghĩa tâm linh với nữ thần Epona của người Gaul và nữ thần chiến tranh Macha của người Ireland đều gắn liền với ngựa, và nhiều tượng điêu khắc cho thấy ngựa được tin là đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia.
Người Celt là bậc thầy kim loại và nghệ thuật trang trí, trang sức
Một trong những điểm đặc biệt là từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Celt đã chứng minh tay nghề điêu luyện của họ trong việc chế tác sắt, đồng, bạc và vàng. Không chỉ tạo ra vũ khí như gươm hai lưỡi, giáo nhọn, khiên gỗ hay mũ sắt, họ còn biết thiết kế áo giáp cho cả chiến binh lẫn ngựa. Những vật dụng dùng trong tiệc tùng như bình, cốc, thìa cũng được làm từ kim loại quý, thể hiện kỹ thuật tinh xảo và óc thẩm mỹ cao. Nhiều món trong số này được chôn theo người chết, như một cách tiếp nối vinh quang sang thế giới bên kia.