Sony đang tụt hậu ở thị trường máy ảnh full frame tầm trung, nhưng điều đó chẳng quan trọng
Nhưng điều đó có quan trọng với Sony?
Sự trung thành của một người với một hệ sinh thái sản phẩm là thứ khó lòng có thể đánh giá thấp.
Ví dụ thật ra cũng chẳng đâu xa, hôm vừa rồi cậu bạn làm cùng mảng game của mình hỏi xem nên chuyển qua chiếc máy Nikon nào. Câu trả lời đương nhiên là Z6 III. Hiện giờ bên cạnh Panasonic Lumix S1 II, Nikon Z6 III vẫn đang là một trong hai chiếc máy ảnh full frame duy nhất trên thế giới trang bị cảm biến partially stacked CMOS. Thứ công nghệ vẫn còn mới, nhưng đã đủ giúp tạo ra những chiếc máy ảnh full frame tầm trung với sức mạnh có thể tiệm cận với những chiếc máy flagship, nhưng giá thì rẻ hơn nhiều vì cảm biến không quá tốn kém, không phải “fully stacked” đắt đỏ và phức tạp như Z8 hay Z9.
Ấy thế nhưng mà mua body xong thì thay vì mua ống Nikkor S về chụp và quay, cậu bạn mình quyết định là… đi mua ngàm Megadap ETZ21 để dùng những ống kính ngàm E của Sony. Vấn đề tài chính ngắn hạn là một chuyện, nhưng có vẻ như cậu bạn vẫn muốn ở lại với hệ sinh thái ống kính của Sony, nhỡ sau muốn về a7R V hay thậm chí nếu lên được a9 thì vẫn còn ống để xài.
Thành ra, câu chuyện này hoàn toàn không phải một cuộc tranh luận nhị phân chỉ có một quan điểm đúng và một quan điểm sai. a7 IV tụt hậu trên thị trường full frame tầm trung là điều đang xảy ra. Những chiếc máy ảnh tầm trung của Sony cũng đang có mức giá tương đối cao nếu so sánh với đối thủ cạnh tranh, chí ít là ở thị trường Mỹ. Nhưng điều đó không quan trọng với Sony cho lắm, không phải thứ mang giá trị cấp bách mà họ cần thay đổi. Những người đã dùng máy ảnh Sony Alpha nhiều năm sẽ khó có xu hướng “nhảy tàu”, đặc biệt là những người làm trong ngành nhiếp ảnh hay truyền thông.
Một phần khác của lý do cũng đơn giản. Hai chiếc máy trang bị công nghệ cảm biến partially stacked backlight illuminated CMOS mình kể trên đây đều có chung một nhà cung cấp cảm biến: Sony Semiconductor Solutions. Đến đây chắc anh em nhận ra vấn đề rồi chứ?
Sự thống trị của Sony có lẽ nên được mô tả thông qua một sản phẩm duy nhất của Sony Semiconductor Solutions: IMX410.
Cảm biến full frame độ phân giải 24 megapixel này sở hữu tỷ lệ tín hiệu hình ảnh trên tín hiệu nhiễu, cũng như dải tương phản động ấn tượng và ổn tới mức, nó xuất hiện trên vô vàn những chiếc máy ảnh của các hãng: Panasonic Lumix S1, S5, Nikon Z6, Z6 II, Z5, Z5 II, Zf, Sony a7 III và a7C, gần đây hơn là Sigma BF, và thậm chí là cả Leica SL2S nữa.
Rồi ở phân khúc medium format thì họ có IMX461, xuất hiện trên Hasselblad X2D, CFV100C và GFX100S. Hiện giờ, số lượng các nhà sản xuất máy ảnh còn tự nghiên cứu phát triển và tự gia công cảm biến có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Canon là một ví dụ. Leica thì gần đây thậm chí còn có tin đồn đã dừng hợp tác với Cmosis để dùng cảm biến Sony trên Leica M11 và SL3/SL3S.
Còn lại, Sony lo hết.
Chiến lược kinh doanh
Những gì đề cập trên đây chỉ là một khoảnh rất rất nhỏ của toàn bộ quá trình kinh doanh thiết bị hình ảnh của Sony Semiconductor Solutions. Giờ nếu nói về IMX803 hay gần đây là 903, những cảm biến trên iPhone, hoặc IMX888 trên những chiếc máy Xperia, câu chuyện sẽ còn dài hơn nữa.
Tóm lại, chiến lược kinh doanh của Sony giờ là trở thành một đơn vị kiếm tiền từ việc gia công cảm biến hình ảnh. Khi một cái cảm biến nhỏ xíu của họ bán được hàng chục, hàng trăm triệu sản phẩm trên toàn thế giới, thì doanh số của a7 IV có lẽ không còn quan trọng nữa.
Bằng chứng cho anh em là: Giữa tháng 6 vừa rồi, Sony Semiconductor Solutions đã tuyên bố xuất xưởng cảm biến chụp hình thứ… 20 tỷ. Đương nhiên con số này bao gồm mọi phân khúc, mọi kích thước cảm biến, và mọi giải pháp phục vụ quân sự, khoa học, công nghiệp chứ không chỉ riêng thị trường tiêu dùng. Nhưng con số gây choáng ngợp này chứng tỏ rằng, ở đâu đó trong căn phòng họp của các giám đốc cấp cao tại Sony Semiconductor, và của các giám đốc cấp cao của mảng thiết bị nhiếp ảnh của Sony, a7 IV tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh hoàn toàn không phải thứ khiến họ lo lắng.