thắng thua là tại kỹ năng, không phải do gear!
Năm nay trên V4 Pro, không chỉ có switch chuột mà cả encoder scroll cũng được nâng cấp lên quang học luôn. Tất nhiên không chỉ độ bền được nâng lên mà ngoài ra còn hạn chế tối đa tình trạng cuộn ngược hoặc bị lỡ nhịp. Các bạn valorant hay CS GO đổi súng sang dao sẽ thích điểm này đây.
Những công nghệ cao cấp nhất trên chuột gaming
Điểm dễ thương trên DA V4 Pro chính là dongle không dây thiết kế bán cầu. Với trọng lượng 45g, nó đủ nặng để đứng vững trên bàn làm việc. Razer nói rằng cấu hình thông số của nó cũng cao hơn, đồng thời tích hợp một ăng ten được tái thiết kế để có tín hiệu ổn định hơn, đặc biệt trong môi trường nhiễu sóng cao như các giải đấu LAN hoặc các phòng máy lớn. Phía trước quả cầu là 3 đèn LED có thể tùy chỉnh, cho phép hiển thị trạng thái kết nối, thời lượng pin và tần số lấy mẫu hiện tại, chúng ta có thể nhìn nhanh vào đó để biết trạng thái mà không cần phải mở Synapse lên.
Tất nhiên không chỉ để cho đẹp, dongle quả cầu còn là nền tảng để đảm bảo cho hoạt động của các công nghệ kết nối không dây cao cấp năm nay. Đầu tiên là HyperSpeed Wireless Gen-2 với tuyên bố của Razer là hiệu quả hơn 65% về mặt năng lượng và có độ trễ thấp hơn 37% so với thế hệ trước thông qua một con MCU thế hệ mới. Cuối cùng độ trễ trung bình được công ty công bố là chỉ 0,291ms.
Tiếp theo là polling rates 8000Hz, đồng nghĩa với việc chuột sẽ báo vị trí cho máy tính 8000 lần mỗi giây, cao gấp 8 lần tiêu chuẩn bình thường. Về mặt lý thuyết, luồng dữ liệu vị trí sẽ mượt và liên tục được cập nhật, giúp giảm thiểu hiện tượng giật hình micro-stutter và cải thiện độ trung thực khi theo dõi tracking, đặc biệt khi dùng với các màn hình với màn hình có tần số quét cao như 240Hz, 360Hz trở lên.
Một lưu ý là lợi ích này sẽ đánh đổi lại bằng việc tăng việc cho CPU và tốn pin. Các CPU đời cũ hoặc yếu có thể gặp phải tình trạng giảm hiệu năng hoặc mất ổn định trong một số trò chơi nhất định, đặc biệt là những game được xây dựng trên các engine cũ như Unreal Engine khi bật max con số polling rate này. Ở khía cạnh khác, con số 8000 này sẽ phù hợp với các game thủ chuyên nghiệp hàng đầu còn đối với hầu hết người dùng, lợi ích hữu hình nhất chính là cải thiện đáng kể độ mượt của con trỏ trên màn hình hz cao, thí dụ như trường hợp của mình với màn hình OLED 4K 240Hz.
Về pin, theo thông số thì ở tần số 1000 Hz, nó sẽ có thể hoạt động liên tục lên đến 150 giờ, một con số rất ấn tượng, vượt xa so với V3 Pro cũng như các đối thủ khác. Tuy nhiên, khi chuyển sang chế độ 8000 Hz, thời lượng pin giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 22 giờ. May là Razer cũng tìm được cách giải quyết chuyện này chứ không thể nào bắt người dùng chuyển qua lại mỗi lần chơi game hay dùng máy tính cho mục đích khác được. Trong Synapse sẽ có tính năng “Smart Polling Rate Switcher”, cho phép tự động giảm tần số lấy mẫu khi ở ngoài game và tăng lên khi vào trận để tiết kiệm pin. Dù vậy, nếu bạn thủ chơi game nhiều giờ ở 8000 Hz thì tất nhiên sẽ phải sạc chuột sau 2-3 ngày chơi rồi.
Mình bắn CS GO hay Valorant khá gà, tuy nhiên cũng hay ham hố bắn giải trí cho vui. Xin được chia sẻ một số trải nghiệm chơi với V4 Pro. Cho nhu cầu vẩy hay tracking, 56 gram cân nặng, cảm biến Focus Pro 45K và độ trễ gần như bằng 0 khi bật polling rates lên 8000 Hz, lại kết hợp với Switch quang học, gần như mọi động tác đều được thực hiện đúng chính xác với ý định và cử động tay của người dùng. Con trỏ sẽ tăng tốc nhanh, đi tới chính xác đúng chỗ, đúng ý mà người dùng muốn.
Bởi thế mình mới nói rằng lúc này thì thắng bại ở chỗ kỹ năng của người chơi thôi chứ không thể đổ cho thiết bị được. Mặt khác, lúc vẩy mình mới phát hiện ra thêm rằng rõ ràng thiết kế bất đối xứng, dành cho người thuận tay phải như V4 Pro sẽ cho phép chúng ta dừng lại chính xác hơn sau mỗi lần vẩy.
Về click chuột với switch quang học Gen-4 trên V4 Pro. Lực nhấn với switch mới sẽ nhẹ hơn thế hệ trước, do đó bắn tap hay burst đều sẽ được thực hiện thoải mái, có kiểm soát. Mặt khác, việc vừa giảm lực bấm kết hợp với độ chính xác khi di chuột sẽ giúp việc ghìm tâm cũng thuận tiện hơn chút, hạn chế mỏi tay hơn. Duy chỉ có khác so với trước đây chính là mình có cảm giác tiếng Click chuột sẽ lớn hơn một xíu, âm cũng nghe kiểu “rỗng” chứ không đanh.
Tất nhiên trong Synapse, chúng ta không chỉ điều chỉnh được các thông số mình nêu trên mà còn có các tùy chọn khác như hỗ trợ xoay chuột cho bạn nào cầm những thế lạ, điều chỉnh độ nhạy dynamic (chuột tự động tăng DPI trong các chuyển động nhanh như quay 180 độ nhanh chóng, trong khi vẫn duy trì DPI thấp cho các chuyển động chậm, chính xác như để ngắm bắn),….
Tuy nhiên vẫn như thế hệ trước, bộ nhớ trong của DA V4 Pro chỉ lưu được các thông số cơ bản như DPI, polling rates hay các lệnh gán nút đơn giản, chưa hỗ trợ lưu các macro phức tạp hoặc các setup cảm biến nâng cao. Đây có lẽ là bất lợi cho bạn nào mang nó đi thi đấu ở nơi mà người ta không cho cài Synapse vào máy.
Cuối cùng, Razer DeathAdder V4 Pro sẽ dành cho ai. Nếu bạn đang dùng bản V3 Pro, V4 Pro có thể sẽ đáng quan tâm nếu encoder cuộn quang bền hơn và dongle 8K đi kèm đủ sức hấp dẫn bạn. Đối với bạn nào lần đầu mua chuột cao cấp, V4 Pro chắc chắn là một trong những con chuột công thái học tiên tiến nhất về mặt công nghệ mà chúng ta có thể mua được.
Nếu hình dáng phù hợp với tay bạn và đủ ngân sách, đây có thể xem như một đại diện đỉnh cao của hiệu năng và độ bền ở hiện tại, tất nhiên là cần lưu ý tới vụ hạn chế về bộ nhớ cho bạn nào hay đi đấu. Còn đối với bạn nào là một người đam mê công nghệ, luôn muốn thử những cái mới nhất thì DA V4 Pro sẽ cho chúng ta xem được thế giới chuột chơi game đang tiến bộ tới đâu rồi (nói chứ 4,69 triệu cũng xót quá thể)