Tàu sân bay hiện đại nhất của Hải quân Mỹ
Chiếc CVN-79 tại xưởng đóng tàu năm 2019.
Bên cạnh các tàu lớp Gerald R. Ford là những tàu sân bay lớn nhất thế giới cho đến nay thì các tàu khác nằm trong top 5 toàn cầu là tàu sân bay lớp Nimitz, các tàu lớp Queen Elizabeth của Anh, tàu sân bay duy nhất của Nga -Admiral Kuznetsov và tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc. USS Gerald R. Ford có chiều dài 337 mét, chiều cao 78 mét tính từ sàn đáp đến dầm tàu và sàn đáp rộng 78 mét.
Trong khi đó, các tàu sân bay lớp Nimitz nhỏ hơn đôi chút với chiều dài gần 333 mét, chiều cao gần 77 mét và sàn đáp rộng gần 77 mét. Các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford có lượng giãn nước 100.000 tấn, trong khi các tàu sân bay lớp Nimitz có lượng giãn nước 97.000 tấn, khi đều ở trạng thái đầy tải. Thông thường các tàu lớp Gerald R. Ford chở được chừng 75 máy bay nhưng tối đa có thể lên tới 90 chiếc, trong khi các tàu lớp Nimitz thường chỉ chở được khoảng 60 chiếc.
Một yêu cầu đối với tàu biển hiện đại là cần ít người hơn nhưng chức năng tiên tiến hơn. Thật vậy, CVN-78 chỉ cần khoảng 2.600 thành viên thủy thủ đoàn cốt lõi để vận hành, ít hơn 25% so với các tàu lớp Nimitz vốn cần khoảng 3.500 người. Cả hai lớp tàu này đều được thiết kế để hoạt động từ 20-25 năm trước khi phải tiếp nhiên liệu (hạt nhân). Hải quân Mỹ hình dung tổng thời gian sử dụng tàu là 50 năm, với khoảng 2 lần tiếp nhiên liệu kết hợp đại tu (RCOH).
Là tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ, vì vậy có đến 23 cải tiến đã được áp dụng cho USS Gerald R. Ford. 23 cải tiến này nhắm mục tiêu là dùng ít nhân sự hơn thông qua tự động hóa và giảm thiểu hoạt động bảo trì. Đây cũng là lớp tàu đầu tiên có trang thiết bị dùng điện năng toàn phần, thay thế hoàn toàn hơi nước.
Thử nghiệm nổ lần 3 của CVN-78 năm 2021.